Cánh đồng lớn một giống lúa ở Vạn Ninh

13/06/2024 15:32 View Count: 120

Với định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Gia Bình khuyến khích các địa phương dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Vụ xuân năm 2024, xã Vạn Ninh là đơn vị đi đầu về triển khai công tác này với tỷ lệ quy vùng lúa năng suất, chất lượng cao đạt hơn 60% diện tích canh tác. Quan trọng hơn, hiệu quả từ những cánh đồng lớn mang lại là tư duy sản xuất hiện đại, đồng bộ ở tất cả các khâu cho người nông dân.


Vạn Ninh- khẩn trương thu hoạch lúa xuân

Trên xứ đồng Ngo, thôn Cao Thọ những ngày mùa này, người dân tập trung thu hoạch lúa. Cả cánh đồng vàng ươm màu lúa chín, những bông lúa trĩu nặng hứa hẹn vụ mùa bội thu. Được biết, thôn Cao Thọ có diện tích quy vùng sản xuất cùng một giống lúa lớn nhất xã Vạn Ninh với 51 ha giống TBR225. Ông Nguyễn Thế Triển, nông dân có 8 sào trồng giống lúa này cho biết: “TBR 225 là giống lúa chất lượng cao được trồng thử nghiệm vài năm nay. Giống có ưu điểm là thời gian sinh trưởng ngắn, sức đề kháng tốt, đặc biệt kháng bệnh bạc lá, khả năng đẻ nhánh, năng suất khá cao, chất lượng cơm ngon... Hiện nay, nhà tôi đang mở rộng diện tích để phục vụ gia đình và một phần bán đi. Nhờ sản xuất chung một cánh đồng, thương lái tiện về thu mua nên sức tiêu thụ nhanh chóng”. Bà Nguyễn Thị Hồng có gần 1 mẫu ruộng trong đó có 5 sào TBR225 phấn khởi: “Nhà tôi được chính quyền động viên trồng chung một giống lúa và thấy hiệu quả rõ rệt. Cả xứ đồng áp dụng cùng quy trình sản xuất, thuận tiện cho việc thuê máy móc cày, cấy, máy gặt…, tôi không phải lo đi gọi máy như trước nữa. Vụ vừa rồi chúng tôi còn thuê máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu chỉ một buổi sáng là xong cả cánh đồng, rút ngắn được nhiều thời gian, tiết kiệm chi phí và bảo đảm sức khỏe nên rất phấn khởi”. Theo ông Vũ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh: Những năm qua, thực hiện chủ trương về việc mở rộng diện tích lúa năng suất, chất lượng cao của UBND huyện Gia Bình, xã Vạn Ninh có nhiều giải pháp để triển khai quy vùng sản xuất cánh đồng lớn, chung một giống lúa, tuy nhiên, hiệu quả chưa  đạt như kế hoạch đề ra. Vụ xuân năm 2024, với sự quyết tâm cao độ, UBND xã sớm tổ chức hội nghị triển khai sản xuất tới các Bí thư chi bộ, trưởng thôn, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân thực hiện tốt Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy, HĐND, UBND xã về quy vùng sản xuất, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, biện pháp kỹ thuật gieo cấy thâm canh lúa xuân. Trên cơ sở đó, mỗi chi bộ được giao phải thực hiện một vùng sản xuất chung giống lúa quy mô từ 10 ha trở lên. Ngoài các chính sách hỗ trợ của tỉnh về 50% giá giống, của huyện Gia Bình 30%, xã Vạn Ninh hỗ trợ thêm 5.000 đồng/kg thóc giống lúa năng suất cao, chất lượng cao quy vùng tập trung. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vụ xuân năm nay, xã Vạn Ninh có 163,5 ha sản xuất giống lúa TBR225, chiếm 60,2 % diện tích canh tác lúa của xã và là địa phương tỷ lệ quy vùng một giống lúa lớn nhất huyện Gia Bình. “Đánh giá nghiệm thu bước đầu, năng suất lúa đạt 69,3 tạ/ha, là một trong những giống lúa năng suất cao nhất xã. Ở các vùng trồng này, các hộ cùng xuống một loại giống, cùng thời điểm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch…So với mỗi nhà một ruộng, mỗi nhà một mảnh như trước đây, việc quy vùng tạo thuận lợi cho chính quyền xã trong việc tổ chức, bảo đảm sản xuất về giống, vật tư, thủy lợi” - Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Quang cho biết. Dù vậy, khó khăn trong triển khai sản xuất ở Vạn Ninh hiện nay là chưa tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết lúa thu hoạch đều bán cho thương lái, với giá thành không ổn định. Ngoài ra, địa phương cũng chưa triển khai được các vùng áp dụng quy trình an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng… Để phát huy hiệu quả của các vùng sản xuất tập trung, thời gian tới, xã Vạn Ninh tiếp tục động viên, khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuê đất mở rộng diện tích lúa năng suất, chất lượng cao; xây dựng các vùng sản xuất lúa gắn với tiêu thụ, liên kết doanh nghiệp; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật thâm canh, khảo nghiệm các giống lúa mới hiệu quả, phổ biến quy trình sản xuất an toàn tới người dân; tranh thủ các chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng,... Từ đó, nâng cao năng lực của người nông dân và các HTX, giúp họ yên tâm bám ruộng làm giàu, bức tranh kinh tế nông thôn Vạn Ninh ngày càng khởi sắc.

Xuân Thủy