Chăn nuôi, Thủy sản Gia Bình- những ngày giáp Tết Nguyên Đán

31/01/2024 15:07 View Count: 307

Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm tăng mạnh. Các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Gia Bình đã chủ động nguồn cung, nắm bắt giá cả thị trường để tìm thời điểm thích hợp xuất bán. Cùng với đó là công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi được các cấp, các ngành quan tâm đảm bảo lượng thịt, trứng cung ứng ra thị trường đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.


 

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Văn Long ở thôn Ngăm Mạc xã Lãng Ngâm đang nuôi 40 con bò thịt 3B. Anh Long đã thuê 15ha đất trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò để tận dụng công lao động và cũng như phụ phẩm từ nông nghiệp, giảm giá thành chăn nuôi. Để kịp thời phục vụ như cầu của người tiêu dùng dịp Tết Giáp Thìn anh Long đã có những quy trình nghiêm chặt để phòng, chống dịch bệnh, tích cực chăm sóc, vỗ béo đàn bò. Anh Long chia sẻ: “anh nhập bò tại trại bò ở Ba Vì, Hà Nội, khi mua có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ, đảm bảo vệ sinh thú y; dịp Tết Nguyên Đán năm nay anh đưa ra thị trường từ 20-25 con bò 3B, thương lái vào tận chuồng để mua, trừ chi phí các loại mỗi năm anh thu về từ 400-500 triệu đồng.”

Chuẩn bị cho dịp Tết 2024, trang trại chăn nuôi lợn của ông Dương Văn Tích, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình đã có sự chuẩn bị từ vài tháng trước, số lợn hiện tại nhà ông là 1104 con trong đó 110 lợn nái, 4 lợn đực giống và 1000 con lợn thịt. Ông Tích chia sẻ: “ mỗi năm trang trại của ông xuất ra thị trường khoảng 2000 con lợn thịt, năm nay giá lợn hơi bấp bênh nên không có lãi nhiều như các năm trước, mức độ tiêu thụ thịt lợn gấp 3-4 lần ngày thường nên thương lái hỏi mua nhiều. Do có sự chuẩn bị từ trước nên trang trại đã chủ động nguồn cung, giá bán ra được 58.000đ/kg lợn hơi”. Ông Tích đã áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học đối với đàn lợn; chăn nuôi khép kín, lợn con đẻ ra để nuôi thịt, không nhập lợn từ ngoài vào, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh đảm bảo dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh những sự sôi động của chăn nuôi trên cạn, các hộ nuôi trồng thủy sản đặc biệt là các hộ nuôi cá lồng trên sông cũng có một năm thắng lợi. Cá chép giòn tăng giá dao động từ 110.000- 120.000đ/kg tại các lồng nuôi, mỗi lồng dao động từ 5.5-6 tấn cá chép giòn, giá bán lẻ ngoài chợ lên tới 160.000-170.000 đồng/kg, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Ngoài cá chép giòn một số loại cá truyền thống giá cũng tăng nhẹ: cá diêu hồng 47.000đ/kg, cá trắm đen 60.000đ/kg, cá rô phi 34.000đ/kg…

Trên địa bàn huyện Gia Bình năm 2023 có tổng đàn vật nuôi là 887.030 con trong đó đàn trâu, bò 2.270 con; đàn lợn 31.560 con; đàn gia cầm 853.200 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 9.996,7 tấn các loại. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 962,7ha và 805 lồng nuôi cá, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 6625,1 tấn các loại.

Năm 2024 (theo số liệu của Phòng Nông nghiệp &PTNT) huyên Gia Bình đặt mục tiêu đàn trâu, bò 2.250 con; đàn lợn 32.000 con; đàn gia cầm 900.000 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10.275 tấn các loại. Diện tích nuôi trồng thủy sản 950 ha, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản 6.700 tấn các loại.

 

Nguyễn Thị Thảo - Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Gia Bình