Gia Bình- khai thác tiềm năng phát triển du lịch

18/03/2024 14:45 View Count: 77

     Nhận thức được vai trò của việc phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch, huyện Gia Bình đã và đang thực hiện đầu tư, tu bổ, tôn tạo hầu hết các di tích lịch sử nằm trong tour du lịch sinh thái tâm linh ven sông Đuống như: Khu du lịch sinh thái Thiên Thai, chùa Thiên Thư, di tích Lệ Chi Viên, chùa Đại Bi, khu lăng mộ và đền Cao Lỗ Vương, đền Tam phủ...


 

Với bề dày lịch sử, văn hiến, huyện Gia Bình để lại dấu ấn ở tên đất, tên làng, các di vật khảo cổ phản ánh trong các ngôi đình, đền, chùa, lăng, miếu cổ kính, thâm nghiêm cùng với phong tục tập quán được nhiều thế hệ dày công xây dựng, bảo tồn và phát huy. Hệ thống di tích của Gia Bình phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, trong đó có 10 di tích cấp Quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh. Các di tích được phân bố trên khắp các làng, xã với nhiều danh lam cổ tự, nơi hội tụ giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan làng quê bình dị là những tài nguyên thu hút được khách du lịch đến với Gia Bình.

Vào dịp đầu năm, hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền tìm về Đền Tam phủ để tưởng nhớ, tri ân, thờ phụng, tìm hiểu, trải nghiệm nghi thức thờ Mẫu. Các di tích tiêu biểu phải kể đến như: đền thờ Cao Lỗ Vương; chùa Đại Bi; đền Lệ Chi Viên; đền thờ Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh… cũng thu hút nhiều lượng khách đến tham quan. Có thể thấy rằng, với tiềm năng, tài nguyên phong phú, du lịch tâm linh Gia Bình trở thành “địa chỉ đỏ” cho một hành trình lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống cho thế hệ tương lai.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa luôn được Gia Bình quan tâm. Năm 2021, Gia Bình tu bổ, tôn tạo 6 di tích lịch sử văn hóa gồm: Nghè Chi Nhị (Song Giang); đình Cháy (Đại Lai); đền Doãn Công (Đông Cứu); đền Tam Phủ (Cao Đức); chùa Diên Phúc (Đại Bái); đình Đông (Bình Dương). Để phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch, Gia Bình đang hoàn thiện và ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái tâm linh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. Đề án sẽ góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái, nhất là sinh thái nông nghiệp trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đây là cơ sở để tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân, hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới. Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Gia Bình có các điểm du lịch: Làng tranh tre Xuân Lai, làng đúc đồng Đại Bái; đền thờ Cao Lỗ Vương; đền Lệ Chi Viên; đền thờ Huyền Quang; đền thờ Lê Văn Thịnh; cảnh quan núi Thiên Thai và sông Đuống. Trong đó, tập trung các định hướng: Phát triển tuyến du lịch đường thủy sông Đuống từ lăng Kinh Dương Vương (Thuận Thành) đến đền Cao Lỗ Vương, gắn kết với việc khai thác các điểm tham quan du lịch dọc theo sông Đuống thuộc hai huyện Thuận Thành và Gia Bình, kết nối với dự án du lịch du thuyền của tỉnh.

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và ngày càng phát triển rộng khắp. Các địa phương ở Gia Bình luôn chú trọng bảo tồn cảnh quan truyền thống của làng xóm, cánh đồng, vườn tược trong khu quy hoạch; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, văn hóa ẩm thực…

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Phòng Văn hóa vàThông tin Gia Bình cho biết: Để du lịch Gia Bình thức giấc, huyện chủ động thực hiện và đề xuất một số giải pháp chiến lược với mong muốn đưa du lịch có bước đổi mới thực sự, phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có; hoàn thành và đưa vào khai thác quần thể du lịch văn hoá - sinh thái - tâm linh ven sông Đuống; tái bản, bổ sung các tài liệu về di tích lịch sử văn hóa Gia Bình và giới thiệu các di tích tiêu biểu phục vụ tour du lịch tâm linh; xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch bãi Nguyệt Bàn, khu nghỉ dưỡng sông Đuống gắn với phát triển tổng thể du lịch Lục Đầu Giang; quy hoạch và xây dựng trạm dừng nghỉ gắn với trung tâm thương mại giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên tuyến Quốc lộ 17...

                                                                               

Xuân Thuỷ