Gia Bình: Phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.500 lao động
Theo đó, huyện đã tổ chức được 257 lớp dạy nghề cho 7.750 lao động nông thôn; giải quyết việc làm mới cho 6.750 lao động; bình quân mỗi năm có trên 1000 lao động được giải quyết việc làm. Trong đó, tỷ trọng lao động của ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng; các ngành nghề nông thôn, ngành nghề truyền thống được quan tâm gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều chương trình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi được triển khai. Ngoài ra, huyện còn chú trọng công tác xuất khẩu lao động và du học, mỗi năm toàn huyện có trên 100 người đi lao động, học tập ở nước ngoài.
Việc thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện đến năm 2015 đạt 31 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 3%, giảm 9,78 % so với năm 2010.
Trong thời gian tới, huyện Gia Bình tiếp tục triển khai và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề. Trong đó chú trọng việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hoá nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cơ cấu lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 60%. Bên cạnh đó là việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhân cấy nghề mới theo hướng đáp ứng yêu cầu của xã hội. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%; mỗi năm tạo việc làm mới cho 1.500 lao động; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian sử dụng ở nông thôn lên 80% ./.
Lê Loan - Đài Gia Bình