Gia Bình tăng cường thực hiện công tác dân số - KHHGĐ

10/06/2024 14:57 View Count: 57

Xác định tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống, thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo của các cấp và sự tham gia của các ban ngành, công tác dân số - KHHGĐ của huyện Gia Bình luôn được đẩy mạnh, góp phần ổn định quy mô dân số.

Để hiện thực hóa Pháp lệnh dân số, ngành Dân số kế hoạch hóa gia đình của huyện đã chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung cơ bản của Pháp lệnh đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tổ chức thành lập Ban chỉ đạo dân số từ huyện đến các xã – thị trấn. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách DS-KHHGĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả như thôn, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình đưa chính sách dân số và hương ước, quy ước làng văn hóa; mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; mô hình chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ... Khoanh vùng ưu tiên các xã trọng điểm triển khai truyền thông lưu động, tư vấn nhóm nhỏ, thăm hộ gia đình, nói chuyện chuyên đề..., nhất là các xã vùng xa trung tâm, kinh tế khó khăn như: Song Giang, Giang Sơn, Cao Đức, Vạn Ninh … Việc tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ đến xã có mức sinh cao, xã khó khăn được coi là giải pháp quan trọng. Trong những năm qua, đã có hàng trăm nghìn lượt người dân được tuyên truyền về Pháp lệnh dân số và các nghị định, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh dân số.


Tập huấn công tác dân số tại huyện Gia Bình

Đi đôi với công tác tuyên truyền, Ban chỉ đạo dân số các cấp còn huy động, tập trung các nguồn lực từ ngân sách cũng như xã hội hóa nhằm tăng cường cung cấp dịch vụ KHHGĐ; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị y tế, dân số từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, cán bộ y tế, dân số được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn và cung cấp các biện pháp tránh thai.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt đa dạng các hình thức tuyên truyền nên từ khi thực hiện Pháp lệnh dân số, quy mô dân số trong huyện tương đối ổn định qua các năm. Chất lượng dân số dần được nâng lên, các chỉ số phát triển con người, công tác chăm sóc SKSS đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chất lượng chăm sóc bà mẹ có thai và thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần, đạt yêu cầu đề ra. Tổng số phụ nữ tham gia sàng lọc trước sinh là 1.348 người. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 88,2%, đạt 100,2% KH. Tổng số trẻ được sàng lọc sơ sinh là 1.244 cháu; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh là 80,6%, đạt 100,8% KH. Tổng số người mới thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2023 là là 5.875 người, tăng 689 người so với cùng kỳ. Triển khai thực hiện tốt các nội dung của chương trình dinh dưỡng. Chấm biểu đồ tăng trưởng cho toàn bộ trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn huyện. Công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng được duy trì thường xuyên tại các xã, thị trấn.

Mức độ nhận biết và thực hành hành vi về dân số của các nhóm đối tượng đều có sự chuyển biến lớn. 97% đối tượng tuyên truyền đã nhận biết được những quy định cơ bản của Pháp lệnh Dân số; 100% đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; 80% đối tượng là quần chúng nhân dân nhận biết rõ về những nội dung cơ bản trong Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Pháp lệnh dân số ở Gia Bình những năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Mức độ chuyển đổi hành vi của người dân về dân số - KHHGĐ chưa thật sự bền vững, dẫn đến kết quả giảm sinh chưa ổn định, không đồng đều giữa các địa phương. Số sinh con thứ ba trở lên có chiều hướng gia tăng, tỷ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao. Các mô hình, đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số còn ở phạm vi hẹp, mới chỉ dừng lại ở thực hiện điểm, chưa được triển khai nhân rộng, bao phủ toàn bộ cấp cơ sở. Vấn đề giới, bình đẳng giới và vị thành niên trong việc chăm sóc SKSS chưa được quan tâm đúng mức. đẵ biệt mức độ chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh đang ở mức rất cao, năm 2023 là 124,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên là 453 cháu (tăng 68 cháu so cùng kỳ).

Thời gian tới, ngành Dân số huyện Gia Bình tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện quán triệt và triển khai tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các biện pháp tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt hơn cho các đối tượng, bảo đảm thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch. Thực hiện quản lý chương trình dân số - KHHGĐ trên cơ sở triển khai phần mềm kho dữ liệu điện tử tại cấp xã. Đẩy mạnh hiệu quả của các mô hình, đề án, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguyễn Văn Tiến