Gia Bình tập trung phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Những năm qua, huyện Gia Bình tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, như: tích tụ, tập trung đất đai, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (CNC)... Từ đó, từng bước hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, UBND huyện ban hành Kế hoạch đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện các chỉ tiêu, từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đồng bộ triển khai các biện pháp; phân công trách nhiệm cụ thể cho các xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân triển khai một cách chặt chẽ, có lộ trình phù hợp. Trong đó, huyện tập trung phát triển nhóm sản phẩm chính, đặc trưng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chú trọng các quy trình sản xuất an toàn sinh học giúp nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ sinh thái, hướng đến nông nghiệp an toàn.
Để chuyển từ nền sản xuất nhỏ, lẻ lên sản xuất tập trung, quy mô lớn ứng dụng CNC gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Gia Bình đã xem tích tụ, tập trung đất đai vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu của sản xuất nông nghiệp. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được 234 ha. Trong đó, 120,6 ha chuyển đổi sang cây hàng năm, 92,7 ha chuyển đổi sang cây trồng lâu năm và chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 20,7 ha. Từ việc tích tụ ruộng đất đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng trồng rau sạch 30 ha, vùng trồng cam canh 20 ha (xã Lãng Ngâm); vùng trồng bưởi da xanh ở xã Xuân Lai 55 ha; vùng nuôi cá thâm canh trong ao đất (Bình Dương: 60 ha, Quỳnh Phú: 25 ha, Xuân Lai 21 ha), vùng nuôi cá lồng trên sông ( Song Giang và Cao Đức)...
Qua chuyển đổi, huyện đã tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp và bà con nông dân tích tụ ruông đất, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà màng, nhà kính, nhà lưới...) trồng rau củ, quả (dưa lưới, dưa lê, dưa chuột ba by tại xã Lãng Ngâm 21.000 m2; thị trấn Gia Bình 6.500 m2; xã Quỳnh Phú 6.500 m2; xã Nhân Thắng 5.000 m2; xã Đại Lai 24.000 m2; xã Bình Dương 8.000m2… nâng tổng diện tích nhà màng, nhà kính, nhà lưới trên địa bàn huyện lên hơn 81.000 m2.
Trong chăn nuôi, hiện có 8 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng CNC, sử dụng các công nghệ hệ thống chuồng lạnh, chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, sử dụng giống bố mẹ nhập ngoại. Một số doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng CNC điển hình như: Trang trại chăn nuôi gia công cho tập đoàn DABACO ở xã Vạn Ninh, Trang trại chăn nuôi xã Cao Đức, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hải Ninh, xã Lãng Ngâm...
Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được UBND tỉnh chỉ đạo, huyện triển khai, đã tạo ra chuyển biến lớn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, người sản xuất có cơ hội tiếp cận và nắm bắt được các tiến bộ KHKT, từ đó, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản, đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đối với mô hình trồng trọt, lợi nhuận bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường, chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống. Toàn huyện, hiện có 9 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó: 4 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút đầu tư nông nghiệp CNC gắn với du lịch trải nghiệm, văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Gia Bình xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp. Trong đó, chỉ ra 86 điểm có khả năng phát triển sản phẩm nông thôn đặc trưng trên cơ sở liên kết hình thành tuyến du lịch; tăng cường kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài huyện để xây dựng kênh thông tin hiệu quả về môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông sản; ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng khu, vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp CNC; đẩy mạnh phát triển trang trại CNC trong nông nghiệp; tăng cường các hoạt động liên kết để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh.