Hội phụ nữ xã Đại Lai chú trọng giải quyết việc làm cho hội viên

08/09/2016 15:53 View Count: 54

Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Đại Lai đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, coi đây là cách để giúp đỡ gia đình hội viên thoát nghèo hiệu quả và thiết thực nhất. Hội phụ nữ xã đã tham mưu, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người lao động hiểu được ý nghĩa, sự cần thiết của việc đào tạo, học nghề. Đồng thời khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ hướng tới những phụ nữ nghèo, phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ có nhiều thời gian nhàn rỗi, phụ nữ không có khả năng lao động nặng nhọc.

Phụ nữ xã Đại Lai tham gia học nghề

5 năm qua, Hội phụ nữ xã Đại Lai đã phối hợp tổ chức được 15 lớp dạy nghề cho hơn 450 hội viên phụ nữ. Các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, có khả năng tự tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định như: may gia công, mây tre đan, nấu ăn, làm hương, trồng nấm, trồng nghệ, chăn nuôi gia súc, gia cầm …  Để giải quyết “đầu ra” sau học nghề, Hội phụ nữ xã chủ động liên kết với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện như HTX Mây tre đan xuất khẩu Toàn Phong (xã Giang Sơn), Công ty may Đông Bình (thị trấn Gia Bình) tổ chức đào tạo. Sau khóa học, chị em được cấp chứng chỉ nghề và được các doanh nghiệp trên ký hợp đồng lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5- 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hội còn phối hợp với Ngân hàng CSXH, ngân hàng Nông nghiệp huyện tín chấp hơn 8 tỷ đồng cho 325 hộ vay; đẩy mạnh phong trào tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, cho vay vốn không lãi suất để phụ nữ có vốn làm ăn. Do vậy, sau học nghề, đã có trên 70% phụ nữ có việc làm, duy trì được nghề và góp phần phát triển thêm tay nghề cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng thôn xóm. Hiện, Hội phụ nữ xã Đại Lai đã phát triển được 27 mô hình trang trại tổng hợp và 13 mô hình tiểu thủ công nghiệp do phụ nữ làm chủ, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động địa phương.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Thảnh (thôn Trung Thành), sau khi được học nghề may gia công, lại được hội phụ nữ xã cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín chấp, chị mạnh dạn mở xưởng may gia công tại nhà. Hiện xưởng may đang phát triển tốt, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức lương trung bình từ 3-3,5 triệu đồng/ tháng. Mô hình trồng nấm của các chị Trịnh Thị Liễu (thôn Huề Đông), Nguyễn Thị Thao (thôn Phương Triện)…. được thành lập năm 2011, hiện nay cũng đang mang lại thu nhập khoảng 70- 80 triệu đồng/ năm cho gia đình.

Xưởng may gia công của chị Nguyễn Thị Thảnh - thôn Trung Thành - xã Đại Lai

Nổi bật nhất, Hội phụ nữ xã Đại Lai đã thành lập được Tổ dịch vụ gia đình với 12 thành viên. Chị Nguyễn Thị Phái (thôn Đại Lai) - tổ trưởng tổ dịch vụ này cho biết: ban đầu, Tổ chỉ phục vụ cho những “mối” quen trên địa bàn xã. Dần dần với tinh thần phục vụ chu đáo, thực đơn đa dạng, các món ăn được chế biến ngon, hợp vệ sinh, giá cả phải chăng nên ngày càng được nhân dân tin tưởng. Đến giờ, Tổ đã đầu tư mua sắm đầy đủ vật dụng có thể phục vụ từ 500 đến 600 suất ăn/lần và mở rộng phạm vi phục vụ sang các xã lân cận như Đông Cứu, thị trấn Gia Bình, Xuân Lai, Lãng Ngâm, Thái Bảo, Vạn Ninh….Chị Nguyễn Thị Lam (thôn Trung Thành) kể: với công việc này các chị có thêm thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Tổ dịch vụ nấu ăn xã Đại Lai

Ngoài ra, hội phụ nữ xã còn phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Ninh giải quyết các thủ tục, hỗ trợ vốn ưu đãi  giúp 10 phụ nữ xuất khẩu lao động với mức lương trung bình từ 8-10 triệu /tháng.

Có thể khẳng định, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên phụ nữ cùng việc xây dựng các mô hình sau đào tạo đã giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, giúp giảm hộ nghèo của xã Đại Lai từ 10,4% năm 2010 xuống còn 2,9% năm 2015, góp phần đưa Đai Lai là một trong 4 xã đầu tiên của huyện Gia Bình đạt chuẩn NTM.

Thời gian tới, hội phụ nữ xã Đại Lai tiếp tục chủ động mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên phụ nữ, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phấn đấu mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 60 phụ nữ, giảm từ 7-8% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.

 

 

 

 

 

 

 

 

Lê Loan - Nguyễn Thị Thành - Đài PT Gia Bình