Hướng dẫn sản xuất chăn nuôi thủy sản năm 2024
Đối với chăn nuôi động vật trên cạn
Xây dựng, củng cố chuồng trại chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi. Khi nhập mua gia súc, gia cầm về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đối với gia súc, gia cầm nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống phục vụ sản xuất chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc; nước uống đảm bảo vệ sinh, không bị nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại; đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn tại chỗ, các phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi, nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất
Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh cơ giới; định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất. Đối với những chuồng nuôi sau khi xuất bán hết gia súc, gia cầm phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa giống vào nuôi mới. Trong trường hợp hộ, cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị mắc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu tái đàn phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cũng như hướng dẫn của cơ quan chuyên môn Thú y. Hướng dẫn các hộ, cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và quy trình thực hành chăn nuôi tốt theo quy định tại Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Kiểm tra chất lượng đàn giống gia súc, gia cầm bố mẹ tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống. Yêu cầu các cơ sở giống thường xuyên chọn lọc đàn gia súc, gia cầm bố mẹ, loại thải kịp thời con giống không đủ tiêu chuẩn, đồng thời nhập bổ sung đàn giống mới đảm bảo số lượng, chất lượng để sản xuất con giống thương phẩm, đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống phải thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng con giống theo quy định.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; tập trung triển khai có hiệu quả 02 đợt tiêm phòng đại trà vụ Xuân - Hè và vụ Thu - Đông; đồng thời tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh hàng tuần để tạo miễn dịch khép kín cho đàn vật nuôi. Duy trì và thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đối với sản xuất thủy sản
Các đơn vị, cơ sở sản xuất con giống thuỷ sản: Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất như: Hệ thống bể đẻ, bể ấp, hệ thống cấp thoát nước và các dụng cụ phụ trợ phục vụ cho sản xuất, ương dưỡng con giống. Giống thủy sản khi nhập, xuất bán ra ngoài thị trường phải thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, ương dưỡng, kiểm dịch động vật thủy sản, ghi chép nhật ký theo dõi nhập, xuất bán con giống theo quy định.
Đối với nuôi cá trong ao đất: Các hộ nuôi trồng thuỷ sản làm tốt công tác chuẩn bị ao nuôi: Tu bổ hệ thống bờ bao, cống cấp và tiêu nước, nạo vét bớt bùn đáy ao theo đúng quy trình kỹ thuật. Căn cứ vào khả năng đầu tư, trình độ quản lý, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thị trường để lựa chọn đối tượng và mật độ cá thả nuôi thích hợp. Cá truyền thống nên thả từ 1,5 - 2con/m2; cá Rô phi, Chim trắng nuôi thâm canh từ 2 - 3con/m2. Nếu thả ghép thì đối tượng nuôi chính chiếm >50% cơ cấu cá thả nuôi để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tập trung nuôi thả các giống cá có năng suất và giá trị kinh tế cao như: cá Trắm cỏ, cá Chép lai... Thời điểm thả giống: Vụ 1: từ 20/2 - 30/4 (dương lịch) thả giống cá Rô phi đơn tính, cá Chim trắng và cá truyền thống; Vụ 2: từ tháng 10 - 11 (dương lịch) phù hợp nuôi cá truyền thống. Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra ao nhằm phát hiện cá nổi đầu do thiếu oxy, cá bị bệnh, tảo nở hoa... để có biện pháp xử lý kịp thời; phòng bệnh định kỳ cho cá nuôi, đặc biệt là vào thời kỳ giao mùa và mùa xuất hiện bệnh (tháng 3 - 4 và tháng 6 - 9); định kỳ cho cá ăn thuốc phòng bệnh kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất); duy trì mức nước trong ao tối thiểu 1,5m nước trở lên để ổn định nhiệt độ nước trong ngày nắng nóng; sử dụng thức ăn công nghiệp hiệu quả, phù hợp với giai đoạn sinh trưởng phát triển của cá, không để dư thừa tránh ô nhiễm môi trường, kết hợp thức tinh như (ngô, thóc mầm, bã đậu tương...) nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đối với nuôi cá lồng trên sông: các hộ trước, trong nuôi phải thực hiện đúng các quy định về cấp phép giao thông đường thuỷ, đê điều...; không khuyến khích phát triển nuôi mới cá lồng tại các vùng nước chưa được quy hoạch, vùng không đảm bảo các điều kiện quy định về nuôi cá lồng bè để đảm bảo an toàn khi sản xuất. Khuyến cáo các hộ đa dạng hoá đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao: cá Điêu hồng, cá Nheo mỹ (cá Lăng đen), cá chép, trắm đen, Chép giòn, cá Ngạnh sông, cá Tầm…; bố trí mỗi cụm lồng nuôi từ 10 - 15 lồng, các cụm lồng cách nhau 10 - 15m, đảm bảo thả cá theo mùa vụ, mật độ, chăm sóc, phòng trị bệnh phù hợp với đặc điểm sinh học của đối tượng cá nuôi nhằm hạn chế rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh và tránh bị ép giá khi thu hoạch. Vào mùa cá hay bị bệnh tháng (tháng 3-4 và tháng 6-9) cần giảm khẩu phần ăn hàng ngày kết hợp sử dụng một số loại thuốc và Vitamin C, betaglucan, men tiêu hoá trộn với thức ăn để cho cá ăn nhằm nâng cao sức đề kháng của cá. Định kỳ 10-15 ngày dùng vôi bột với lượng 5 - 10kg/túi hoặc viên TCCA, BKD... với liều lượng 0,5kg/túi x 2 - 3 túi/1 ô lồng kích thước 6m x 6m x 3m và treo ở độ sâu bằng 1/3 -1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi để diệt trùng và nấm gây bệnh cho đối tượng thủy sản. Ngoài ra, cần tích cực và chủ động quan tâm đến vấn đề an toàn lồng nuôi trong mùa mưa lũ, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá khi thời tiết giao mùa để không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cá nuôi.