KHÁNG KHÁNG SINH VÀ CÁC CHẾ PHẨM THAY THẾ KHÁNG SINH TRONG CHĂN NUÔI
Kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi với mục đích là trị bệnh, phòng bệnh. Việc bổ trợ thường xuyên một lượng kháng sinh liều thấp vào thức ăn, nước uống giúp diệt vi khuẩn có hại, làm giảm chi phí thức ăn, tăng khả năng hấp thụ, giúp vật nuôi tăng trưởng đã từng được cho là giải pháp tốt.
Tuy nhiên khi một loại kháng sinh được sử dụng nhiều lần, vi khuẩn sẽ trở nên thích nghi, "nhờn" với loại kháng sinh đó khiến các chủng vi khuẩn sinh ra biến thể mới để vô hiệu hóa tác dụng của thuốc. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý trong chăn nuôi dẫn tới tồn dư kháng sinh trong thịt và các sản phẩm động vật, gây tác động xấu tới sức khỏe của người tiêu dung, ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái và làm giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh bởi hiện tượng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Do những mối nguy hại lớn cho sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đã hoặc đang từng bước cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi cho mục đích phòng bệnh và kích thích sinh trưởng. Để dần thay thế kháng sinh, nhiều loại chế phẩm khác nhau được phát triển và thương mại hóa như:
Probiotic có tác dụng kìm hãm vi khuẩn gây bệnh đường ruột; cải thiện miễn dịch; giảm thải khí CH4 trên động vật nhai lại.
Prebiotic có tác dụng hỗ trợ sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong ruột; ức chế E.coli và Salmonella; cải thiện chức năng miễn dịch.
Axit hữu cơ (organic acids) có tác dụng cải thiện dinh dưỡng; xâm nhập qua màng vi khuẩn dẫn đến giảm pH của môi trường kiềm bên trong vi khuẩn.
Các sản phẩm chiết xuất từ thực vật; tinh dầu, phụ gia, thảo dược có tác dụng ức chế một số loại vi khuẩn đường ruột, phá hủy vách tế bào vi khuẩn; giảm nội ký sinh trùng; tác động đến quá trình lên men vi sinh vật đường ruột; cải thiện miễn dịch; bảo vệ niêm mạc ruột; giảm khí thải từ vật nuôi (H2S, CH4…).
Các Peptide kháng khuẩn có tác dụng lên màng tế bào vi khuẩn; kháng vi khuẩn (bao gồm cả vi khuẩn kháng thuốc), nấm, virus.
Enzyme có tác dụng tăng cường sức khỏe ruột; cải thiện giá trị dinh dưỡng của thức ăn, giảm FCR; giảm độ ẩm của phân.
Ngày 25 tháng 9 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg về chiến lược Quốc gia phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023- 2030 tầm nhìn 2045 với mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm, đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.