Những đóp góp của quân và dân Gia Bình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội
Gia Bình là một huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Bắc Ninh, một vùng đất cổ kính có truyền thống lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Nơi đây có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, có núi, có sông, có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu và nhiều đường giao thông thủy, bộ quan trọng chạy qua.Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lực lượng vũ trang huyện Gia Bình đã cù sáng tạo trong lao động sản xuất; anh dũng, kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Gia Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chế độ phong kiến bị đánh đổ, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tháng 9-1947, du kích Gia Bình tổ chức diệt tề, bảo an ở Kênh Phố, Chi Nhị thu 5 súng trường, 1 súng ngắn. Huyện Gia Bình kêu gọi, vận động được 30 lính ngụy mang súng trở về với nhân dân. Thắng lợi của cuộc Tổng phá tề là sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Bộ đội địa phương huyện có một trung đội, được trang bị một số súng trường và lựu đạn, có khả năng thực hiện nhiệm vụ diệt tề trừ gian, chống các cuộc càn quét nhỏ của địch. Huyện cũng đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên, bộ đội đi sâu, đi sát cơ sở, bám đất, bám dân, tích cực lãnh đạo nhân dân chống địch bắt phu, bắt lính, thu thuế, thu thóc, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất lương thực, thực phẩm. Dựa vào dân, được nhân dân ủng hộ, bộ đội và du kích đã có những hoạt động diệt tề, trừ gian, chống địch càn quét đạt kết quả. Ngày 17-6-1948, đại đội nghĩa quân phối hợp với du kích tập trung huyện Gia Bình, phục kích 1 trung đội lính Âu phi đi tuần trên đường 182 thuộc thôn Khoái Khê và thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng. Khoảng 8 giờ sáng, quân địch lọt vào trận địa phục kích, quân ta bất ngờ độn thổ xông lên nổ súng vào đội hình địch, tiêu diệt tại chỗ 18 tên, bắt sống 9 tên, bắn bị thương 1, thu 1 đại liên, 1 trung liên, 2 tiểu liên và 16 súng trường. Phía ta không ai bị thương vong. Chiến thắng Khoái Khê và chiến thắng Cầu Đào là kết quả của chủ trương phân tán lực lượng nhỏ, kết hợp ba thứ quân luồn sâu trong lòng địch để đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch là sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương. Chiến thắng này được tổng kết và được khu ủy, Bộ Tổng tư lệnh phổ biến vận dụng trên toàn chiến trường ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sáng ngày 16/9/1950 bộ đội địa phương huyện Gia Lương cùng du kích xã đóng giả lính đồn Thiên Thai bị bộ đội ta đuổi chạy vào bốt Chi Nhị, đã dùng bộc phá san bằng lô cốt bốt Chi Nhị, một số lính ngụy bị tiêu diệt, khai thông đường qua sông Đuống từ Gia Lương sang huyện Quế Dương, Võ Giàng.Năm 1951, Đại đội 551, thuộc Tiểu đoàn Thiên Đức, phối hợp với Đại đội 850 (bộ đội địa phương Gia Lương) tiêu diệt vị trí Duyện Dương (Duối) diệt 40 tên địch, làm bị thương 38 tên, thu nhiều vũ khí. Đại đội 850 Gia Lương phối hợp với Đại đội 551 thuộc Tiểu đoàn Thiên Đức đánh địch càn quét xã Trung Chính, thu được 4 súng và một số quân trang quân dụng. Ngày 28-1-1951, Đại đội 551 thuộc Tiểu đoàn Thiên Đức có du kích Thái Bảo dẫn đường, có nhân mối bên trong đã đánh diệt bốt Dù, bắt 18 tên, bắn bị thương 1 tên giặc. Riêng tên đồn trưởng chạy khỏi bốt xuống Huề Đông (có tề theo chúng), nhưng bị cơ sở kháng chiến bắt và xử, thu 1 súng tiểu liên. Bốt Dù bị tiêu diệt đã khai thông sự đi lại giữa Nam và Bắc phần Bắc Ninh.
Năm 1951, giặc Pháp cho 6 máy bay Đa-cô-ta, 32 máy bay khu trục ném hàng trăm quả bom, bắn trên nửa giờ vào các làng Cầu Đào, Nhân Hữu, Hương Triện (xã Nhân Thắng) làm hàng trăm người chết, bị thương. Riêng thôn Cầu Đào có tới 70 người chết, nhà cửa, tài sản bị đốt cháy, hư hại hết sức nặng nề. Ngày 3 tháng 2 năm 1951, địch lại cho máy bay oanh tạc dữ dội hai làng Hương Triện, Nhân Hữu (xã Nhân Thắng), gây thêm tang tóc, đau thương cho bao người dân vô tội. Tất cả các trận địch dùng máy bay, đại bác, bộ binh đánh phá, càn quét vào khu căn cứ du kích Gia Lương là do chúng bị thua đau trong phối hợp tiêu diệt sinh lực địch với chiến dịch Trần Hưng Đạo (25-12-1950 - 7-1-1951) của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích Bắc Ninh.
Ngày 11-6-1951, địch càn quét khu căn cứ du kích Gia Lương, Đại đội 850 (bộ đội địa phương Gia Lương) cùng với du kích xã Nhân Thắng đánh càn diệt hàng chục tên địch. Trung đoàn 98 phối hợp với bộ đội địa phương huyện, du kích xã diệt nhiều đồn bốt địch, tiêu diệt, phá vỡ các bốt Đại Bái, bốt Âu Phi tại đình thôn Địch Trung buộc chúng phải dùng máy bay thả dù vũ khí lương thực và 8 giờ ngày 24-1-1952, toàn bộ quân địch phải bỏ đồn bốt tháo chạy. Địch đã cho khoảng 500 quân với 100 xe cơ giới (tăng, thiết giáp, ô tô) từ Lạc Thổ theo đê sông Đuống tiến vào Xuân Lai; từ Xuân Lai cho quân tiến đánh Thịnh Đức, Địch Trung, Huề Đông, Vạn Ty. Địch đi đến đâu cũng bị quân ta chặn đánh. Đêm hôm ấy, địch đóng ở Bình Dương, Nhân Thắng. Từ ngày 28-4 đến 2-5-1952, địch cho một Trung đoàn với pháo hạng nặng bắn phá, máy bay yểm trợ tiến đánh các xã Nhân Thắng, Bình Dương, Lãng Ngâm, Song Giang, Giang Sơn. Tại thôn Nhân Hữu, xã Nhân Thắng bộ đội phối hợp với du kích đánh tiêu diệt và làm bị thương 30 tên giặc, phá hỏng 1 xe tăng. Trong trận này người bẫy mìn làm hỏng xe tăng địch là đồng chí Trần Thế Bé, được bầu là chiến sĩ thi đua, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Bộ đội cùng du kích dựa vào hầm giao thông chiến liên hoàn nhử cho địch vào làng Hữu Ái quân ta mới nổ súng tiêu diệt và làm thương vong 70 tên giặc.
Trong trận càn Nit-xơ, ngày 23-2-1953, với hơn 2.000 lính bộ binh, có xe tăng, đại bác, máy bay yểm trợ, địch đánh phá ác liệt thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng. Đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Trung đoàn 238, phối hợp với bộ đội địa phương, du kích chiến đấu từ sáng đến tối, đẩy lùi 7 đợt tấn công của địch. Trong trận này, ta diệt 180 tên, trong đó có 1 tên quan hai Pháp, Địch phải cho máy bay trực thăng đến lấy xác đồng bọn. Bị thất bại nặng nề, mấy ngày sau, địch lại tái càn thôn Cầu Đào, chúng bắt được một số cán bộ, đảng viên, gây cho nhân dân thôn Cầu Đào nhiều đau thương, mất mát.Ngày 27-7-1954 lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Từ đây, nhân dân Gia Bình được hoàn toàn giải phóng, cùng với nhân dân miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ, sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện đội, các đơn vị dân quân trong toàn huyện tích cực triển khai kế hoạch huấn luyện, luyện tập các phương án tác chiến, phương án phòng chống bạo loạn và biệt kích nhảy dù, thực tập báo động xử lý các tình huống. Các đội bảo đảm giao thông, tiếp tế, tải thương, cứu thương, công binh, phòng hoá, chữa cháy được huấn luyện chu đáo. Công tác tuyên truyền làm cho nhân dân tăng cường cảnh giác cao, phối hợp với bộ đội, công an, dân quân bảo đảm trật tự an ninh, được cấp uỷ, chính quyền địa phương coi trọng. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thanh niên trong huyện đã dấy lên phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, với khí thế sục sôi chống Mỹ. Đã có 2.454 đoàn viên, thanh niên viết đơn tình nguyện đi bộ đội vào Nam đánh Mỹ; 2.101 thanh niên vào dân quân, 549 thanh niên xung phong. Phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” cũng phát triển mạnh mẽ, có 28.462 phụ nữ làm đơn tình nguyện thi đua giành danh hiệu “Ba đảm đang”, 2.548 phụ nữ tham gia dân quân, 1.719 phụ nữ cày bừa thay nam giới. Tính đến cuối năm 1966 toàn huyện đã đào được hơn 5 vạn hầm, hố cá nhân trú ẩn và hàng nghìn mét giao thông hào.
Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đảng bộ và nhân dân Gia Lương đã động viên và tiễn đưa con em ra tiền tuyến. Năm 1973 toàn huyện có 312 người, năm 1974 có 608 người lên đường nhập ngũ. Các nghĩa vụ khác: Lương thực, thực phẩm, lợn hơi, đỗ, lạc đều hoàn thành và vượt kế hoạch trên giao. Sau chiến thắng mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Chi bộ Quân sự đã kịp thời tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chuyển các hoạt động của lực lượng vũ trang từ thời chiến sang thời bình; ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tích cực thực hiện công tác thương binh - xã hội, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sỹ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và giữ gìn an ninh chính trị ở địa phương, tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cho các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác quốc phòng - quân sự địa phương; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trên mặt trận sản xuất, lực lượng vũ trang huyện đã có mặt khắp các công trường: Xây dựng hồ đập, đào đắp kênh mương, làm kè, đắp đê, cải tạo ruộng đồng, làm đường giao thông và phòng chống lụt bão... Năm 1975, có tới hơn 12.000 lượt dân quân tự vệ của huyện tham gia lao động liên tục trong các chiến dịch làm thuỷ lợi; đào, đắp được 12.378m3 đê và đào được 46.072m kênh mương. Công tác tuyển quân của huyện cũng hoàn thành tốt, 100% các xã đã hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân. Chương trình huấn luyện hàng năm cũng hoàn thành và đạt loại khá giỏi, 100% các xã, thị trấn làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội. Để tăng cường lực lượng và làm tốt công tác đảm bảo cho sẵn sàng chiến đấu, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã phát triển thêm 1 tiểu đoàn, 2 đại đội, 8 trung đội tự vệ và chuẩn bị một tiểu đoàn dân công hỏa tuyến gồm 1.324 người, đa phần là đoàn viên thanh niên.
Đến tháng 12 năm 1978, toàn huyện có 27 đơn vị dân quân tự vệ, quân số 2.540 người, trong đó có 257 tự vệ. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chỉ trong vòng 24 tiếng, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã chuyển toàn bộ lực lượng vũ trang huyện vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, chi viện cho 6 tỉnh biên giới phía Bắc; đặc biệt là địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Năm 1979, huyện đã đưa gần 70 cán bộ, đảng viên và 632 chiến sĩ đi làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Thực hiện Lệnh tổng động viên huyện đã huy động và tổ chức xong 3 lực lượng: “Lực lượng sẵn sàng chiến đấu của huyện có 2.530 người; lực lượng tập trung chiến đấu tại chỗ cấp huyện 7.634 người; các tổ chiến đấu ở cơ sở có 1.231 người”; ngoài ra còn có lực lượng phục vụ chiến đấu gồm 14.244 người; chỉ trong vòng 12 ngày (từ 19 tháng 4 đến 02 tháng 5 năm 1979) toàn huyện đã đào được 6.729 hầm trú ẩn của gia đình; 3.147 hố cá nhân, 1.563m công sự và 4.485m giao thông hào. Từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5 năm 1979, Ban Chỉ huy quân sự huyện đã xây dựng được 01 làng chiến đấu và tổ chức 5 lớp huấn luyện cho cán bộ xã đội, trung đội, tiểu đội của huyện. Tất cả các ngành, các cấp đều tích cực vận động hội viên hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới lực lượng vũ trang huyện đã thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Để đất nước được độc lập, thống nhất, ghần 2.000 người con của huyện Gia Bình đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường, trên 1.000 TBB, 191 Bà Mẹ được Đảng Nhà nước phong và trung tăng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng và hàng nghìn người được tănghj thưởng Huân, Huy chương các loại, cán bộ tiền khổ nghĩa, người nhiễm chát độc hoá học . . .Ghi nhận những đóng góp to lớn về công sức, của cải cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo Tổ quốc của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Gia Bình. Ngày 22/8/1998 chủ tịch nước nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân và LLVT nhân dân huyện Gia Bình; 5 xã là Nhân Thắng, Xuân Lai, Bình Dương, Cao Đức và Song Giang được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Quân khi I tặng thưởng huân huy chương các loại, Bằng khen, cờ thi đua đơn vị Quyết thắng.