Ông tổ nghề đồng ở Đại Bái

30/05/2024 10:37 View Count: 86

Làng Đại Bái, tên Nôm là làng Bưởi, (thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), là một ngôi làng cổ thuộc di chỉ văn hóa Đông Sơn, niên đại cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ II trước Công nguyên, từ xa xưa đã nổi tiếng về nghề gò đồng.


 

Tuy có nhiều truyền thuyết khác nhau, nhưng người làng Đại Bái từ lâu vẫn thờ ông  Nguyễn Công Truyền là vị tổ nghề của làng mình. Thần phả dân làng hiện còn lưu giữ được cho biết ông sinh năm 989 mất năm 1069, thọ 81 tuổi (theo cách tính âm lịch). Năm lên 6 tuổi, ông theo cha là Nguyễn Công Tiến vào Thanh Hóa sinh sống. Lớn lên ông gia nhập quân đội, đến năm 25 tuổi ông làm đến chức Đô úy dưới triều nhà Lý, về sau được phong chức Điện tiền tướng quân. Khi cha ông mất năm 1048, ông từ quan về lo việc hậu sự cho cha ở Thanh Hóa, sau đó đưa mẹ về quê, từ đó ông đã sáng lập ra nghề gò đồng.

Nhưng theo sách: “Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí” thì ông Nguyễn Công Truyền làm quan dưới triều Lê đến chức Hiệu úy. Ông được cử đi cùng đoàn sứ bộ sang Trung Hoa, khi trở về được phong chức Phấn lực tướng quân. Trong khi cùng đoàn đi sứ ông đã học được nhiều kỹ thuật về nghề đồng. Về làng, ông đã truyền dạy cho dân làng mình nghề gò đồng. Nhớ ơn ông, khi ông qua đời dân làng Đại Bái đã dựng đình thờ ông, tôn ông làm vị tổ nghề. Người Đại Bái nếu đi làm ăn xa quê, dù ở đâu cũng dựng đền thờ ông Nguyễn Công Truyền làm vị tổ nghề của mình. Tại Thanh Hóa và ở Huế đều có người làng Đại Bái gốc Bắc Ninh đến làm ăn sinh sống…

Làng Đại Bái có 4 xóm, tuy nhiên cả 4 xóm đều thờ ông Nguyễn Công Truyền là vị tổ nghề chung của cả làng. Về sau các ông Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm là những người tiếp bước ông Nguyễn Công Truyền đã thúc đẩy việc sản xuất đồng tạo ra các phường nghề có sự chuyên môn hóa khá cao. Vì vậy mỗi xóm đều xây nghè để thờ một vị hậu tiên sư, gồm: Ông Phạm Ngọc Thanh hậu tiên sư nghề đánh mâm thờ ở xóm Tây; Ông Nguyễn Viết Lai, Vũ Viết Thái hậu tiên sư nghề đánh nồi thờ ở xóm Ngoài; Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Công Tâm hậu tiên sư nghề đánh ấm thờ ở xóm Giữa. Riêng xóm Sôn (xóm mới thành lập) chuyên nghề đánh chậu không ghi tên vị hậu tiên sư.

Còn tại làng Vó, tức làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (ngay cạnh xã Đại Bái) cũng có nghề đồng truyền thống thì thờ ông Nguyễn Công Nghệ làm vị tổ nghề. Nghề đúc đồng đã có từ rất lâu trên đất nước ta, nhưng ông Nguyễn Công Nghệ là người có công đem nghề này về truyền dạy cho dân làng Vó, vì vậy sau khi ông mất đi dân làng đã lập đình thờ ông làm vị tổ nghề của làng. Người làng cho biết, ông nhà nghèo nhưng rất cần cù chịu khó và thông minh, năm 18 tuổi ông đã thi đỗ, sau đó được giữ một chức quan trong bộ máy của triều đình. Thấy dân quê mình làm ruộng một nắng hai sương mà vẫn túng thiếu, không đủ ăn, nên ông đã cố gắng học nghề đúc đồng. Khi tay nghề đã vững vàng, ông xin từ quan trở về quê hương lập nghiệp, rồi truyền dạy cho dân làng, với hy vọng đem lại đời sống ấm no, thịnh vượng cho dân làng. Ông từ trần khi mới 36 tuổi, chưa có vợ con, từ đó dân làng lấy ngày giỗ của ông (23 tháng 8 âm lịch hằng năm) làm ngày giỗ tổ nghề. Dân làng Vó cho biết vì ông mất sớm nên người làng đặt tên hiệu cho ông là Trực Nghệ, cũng vì mất quá sớm chưa lập gia đình nên không có gia phả để lại.     

Ngày nay, kế thừa truyền thống cha ông, nghề đồng ở Đại Bái đã từng bước có sự hồi phục và phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để những tinh hoa của nghề ngày càng được phát huy thì các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm để làng nghề không ngừng sáng tạo, sản xuất ra những sản phẩm thu hút được khách hàng trong nước và quốc tế đem lại đời sống giàu sang, thịnh vượng cho người dân làng nghề từ chính đôi bàn tay và bộ óc của mình.                                                                                      

  Nguyễn Thảo