Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị về công tác trẻ em trên địa bàn huyện Gia Bình
Sau 10 năm (2012 - 2022) thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, công tác này ở huyện Gia Bình đã được triển khai sâu rộng và đạt những kết quả đáng khích lệ.
Xác định tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ nhận thức đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các phòng, ban, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh, huyện về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí và được bảo đảm các quyền cơ bản, được sống trong môi trường an toàn lành mạnh, nhất là dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em được sống, được hoà nhập và phát triển. UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành và UBND các xã, thị trấn luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện Chỉ thị số 20, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, vận động toàn xã hội cùng thực hiện mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Từ đó, nhiều gia đình, tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; nhiều hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia tích cực vào việc giáo dục trẻ em cá biệt tại cộng đồng, làm tuyên truyền viên, cộng tác viên cho một số chương trình về bảo vệ trẻ em; qua đó phòng ngừa sự thiệt thòi có thể xảy ra đối với trẻ em, ngăn chặn các nguy cơ trẻ em bỏ nhà hoặc sa vào các tệ nạn xã hội.
Ban bảo vệ trẻ em của 14/14 xã, thị trấn đã được thành lập và tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên, họp đột xuất, định kỳ hàng tháng về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tại địa phương. Duy trì hoạt động của các cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em; 100% cán bộ làm công tác từ huyện đến xã, thị trấn và cộng tác viên được tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức. Qua các đợt tập huấn, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện các chương trình, mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện chương trình; kỹ năng thực hiện các dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã, thị trấn; hoặc các kỹ năng cơ bản làm việc, giao tiếp với trẻ em đối với đội ngũ cộng tác viên cấp thôn... Từ đó góp phần thực hiện tốt mục tiêu các dự án thuộc chương trình bảo vệ trẻ em huyện, cũng như của tỉnh.
Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Huyện Đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Văn hóa – Truyền thông - Thể thao tổ chức triển khai “Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em”, trao 1.780 phần quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá từ 400- 500 ngàn đồng; phối hợp với các phòng, ban huyện thăm hỏi các cháu nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6), Tết Trung thu và tặng trên 10.000 suất quà. UBND huyện chỉ đạo các đơn vị là thành viên Ban Điều hành cấp huyện và các hội, đoàn thể phối hợp tổ chức các hoạt động, cụ thể như: Tổ chức diễn đàn trẻ em cấp huyện với sự tham gia gần 650 trẻ em; tổ chức tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ và người chăm sóc trẻ; tổ chức dạy bơi cho 15.652 trẻ em trên địa bàn các xã, thị trấn, kết quả các em tham gia học biết bơi cơ bản và được trang bị kiến thức sơ cấp cứu, xử lý các tình huống tai nạn đuối nước.
Trong thời điểm dịch covid 19 kéo dài, các em phải nghỉ học, học online, không được tham gia vào các họat động vui chơi, giải trí. Nhiều trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện sinh hoạt và học tập bị hạn chế, Phòng GDĐT huyện Gia Bình đã tham mưu với UBND huyện phối hợp với Tập đoàn Hanaka hỗ trợ 300 máy Ipad, trị giá 3.000.000đ/1 chiếc, tổng kinh phí 900 triệu đồng, Công ty Viễn thông Gia Bình hòa mạng 3G (miễn phí 3 tháng) cho các đối tượng học sinh Tiểu học và THCS có hoàn cảnh khó khăn chưa có phương tiện học trực tuyến. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách nhà nước theo NQ 09/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho 64 học sinh, với trị giá 5 triệu đồng / thiết bị, tổng số kinh phí 320 triệu đồng. Trao quà hỗ trợ bằng tiền mặt cho 616 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, số tiền 1 triệu đồng/ em, tổng kinh phí 616 triệu đồng. Đến thời điểm hiện nay, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước và mạnh thường quân đã giúp đỡ cho 100% học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện có phương tiện và thiết bị học tập đầy đủ.
Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện việc hỗ trợ phẫu thuật cho rất nhiều em khuyết tật cơ quan vận động, dị tật tay, chân ; hỗ trợ khám sàng lọc cho trên 100 trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch, khuyết tật cơ quan vận động, tay chân, mắt, tim bẩm sinh; tặng trên 500 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi; trợ cấp khó khăn đột xuất cho các trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, bị xâm hại, mắc bệnh hiểm nghèo; tặng 200 chiếc xe đạp, 362 cặp phao cứu sinh; tổ chức cho 30 trẻ em tham gia Diễn đàn cấp tỉnh; Ngoài ra, nhân các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm từ nguồn hỗ trợ, quỹ hội các cấp và nguồn vận động, các ngành, hội đoàn thể đã tổ chức thăm, tặng 6.132 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện đảm bảo.
Có thể thấy, việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể huyện Gia Bình tổ chức quán triệt nghiêm túc và thực hiện khá hiệu quả. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp về tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Để tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trên địa bàn, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nhất là công tác tuyên truyền, vận động các các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia vào chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn, thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia để thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tạo môi trường cho trẻ em được học tập, tham gia các hoạt động xã hội, đảm bảo thực hiện tốt các quyền lợi trẻ em; làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát; công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đồng thời làm tốt công tác tổ chức sơ, tổng đánh giá rút kinh nghiệm; phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em./.