Mô hình trồng tre Lục Trúc lấy măng hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp tại Gia Bình

12/11/2024 16:20 View Count: 52

Tháng 3 năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Huyện Gia Bình triển khai mô hình trồng Tre Lục Trúc lấy măng tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm với diện tích 1,01 ha với 06 hộ tham gia.

Qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho thấy: Cây Tre Lục Trúc lấy măng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của Gia Bình. Các hộ tham gia mô hình chăm sóc theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại... Mặc dù bị ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yayi) tuy nhiên cây tre Lục Trúc chỉ bị gãy 1 số ít thân và măng. Đến nay sau 7 tháng trồng, cây tre Lục Trúc đã tạo thành khóm đường kính 0,4 -0,5 m2, cây vươn cao trên 2m tạo thành vòm xanh mát, mỗi khóm tre trồi lên 2- 4 măng.


 

Theo anh Phượng - Giám đốc HTX Ngăm Mạc là người trực tiếp tham gia mô hình cho biết: Bản thân anh Phượng là người năng động, ham học hỏi, sẵn sàng thử nghiệm cái mới.  Năm 2023 được cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện và ngành nông nghiệp thăm quan mô hình trồng Tre Lục Trúc lấy măng ở Tân Yên (Bắc Giang), Đồng Hỷ (Thái Nguyên)… qua tìm hiểu và thăm quan một số mô hình trồng tre Lục Trúc, anh nhận thấy đây là giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Măng tre Lục Trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ. Có nhiều cách chế biến như làm nộm, luộc, xào, thậm chí có thể ăn sống được nên thị trường cho loại sản phẩm này khá rộng. …


 

Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Anh đã mạnh dạn tiếp thu mô hình này về địa phương, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Sau khi trực tiếp tham gia Mô hình, anh nhận thấy trồng tre Lục Trúc lấy măng không mất nhiều công chăm sóc nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, bón phân, tỉa cây theo đúng thời điểm thì cây sinh trưởng phát triển ổn định, cho năng suất cao. Dự kiến đến tháng 4 năm 2025 sẽ cho thu hoạch (thời gian thu hoạch khoảng 6 tháng) cho thu nhập cao hơn trồng các cây rau màu truyền thống ở địa phương.

Trồng tre Lục Trúc lấy măng năm đầu tiên chưa được cho thu hoạch, chưa có nguồn thu, anh Phượng và các hộ tham gia mô hình mong muốn, đề nghị huyện sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ phân bón cho năm tiếp theo để tạo điều kiện cho các hộ yên tâm sản xuất.

Nguyễn Quang Chiến