Công bố Nhãn hiệu chứng nhận "Tỏi một nhánh Gia Bình"
Chiều 23/4, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND huyện Gia Bình tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu chứng nhận “Tỏi một nhánh Gia Bình”.Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN. Huyện Gia Bình có các đồng chí Nguyễn Văn Định, phó Bí thư TTHU; đồng chí Nguyễn Thế Khâm, UVBTV phó chủ tịch TT-HĐND huyện; đồng chí Lương Trung Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện, đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN cùng đông đảo cán bộ, hộ sản xuất, kinh doanh tỏi một nhánh trên địa bàn các xã của huyện Gia Bình.
Tỏi một nhánh được sản xuất thành công trên đồng đất Gia Bình từ năm 2017, đến nay được mở rộng trồng tại 6 xã gồm: Xuân Lai, Vạn Ninh, Cao Đức, Thái Bảo, Bình Dương và Đại Lai, với diện tích khoảng hơn 20 ha. Năng suất tỏi một nhánh đạt trung bình 280 kg/sào; với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg cao hơn nhiều lần so với tỏi truyền thống. Đặc biệt, hiện tỏi 1 nhánh Gia Bình được cung ứng cho Công ty TNHH Nanocare R&D (xã Xuân Lai) để chế biến thành các sản phẩm: Tỏi đen một nhánh, trà, dầu gội tỏi đen… trong đó, sản phẩm tỏi đen một nhánh được công nhận OCOP 4 sao.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án “Xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh” giai đoạn 2021-2025 do Sở KH&CN chủ trì, đến nay, sản phẩm "Tỏi một nhánh Gia Bình" đã đáp ứng được các tiêu chí, quy định và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận theo Quyết định số 113524/QĐ- SHTT. Chủ sở hữu là UBND huyện Gia Bình.
Tại buổi Lễ, lãnh đạo Sở KH&CN đã trao Chứng nhận Nhãn hiệu chứng nhận “Tỏi một nhánh Gia Bình” cho UBND huyện Gia Bình; 20 hộ sản xuất tiêu biểu được trao Chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu Chứng nhận "Tỏi một nhánh Gia Bình".
Việc cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận “Tỏi một nhánh Gia Bình” là cơ sở quan trọng để khẳng định quyền đối với sản phẩm, là căn cứ để địa phương xây dựng quy hoạch phát triển bền vững sản phẩm được bảo hộ. Đồng thời, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý… góp phần tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời, bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững.