Làm giàu từ mô hình nuôi thỏ
Mô hình nuôi thỏ nái và thỏ thương phẩm của gia đình anh Trần Quý Hòa - thôn chi Nhị - xã Song Giang - huyện Gia Bình. Thỏ mẹ, thỏ nuôi thương phẩm được nuôi theo từng độ tuổi và được ghi chép sổ sách đầy đủ để tiện theo dõi ngày thỏ mẹ mang thai, ngày sinh, ngày tách đàn, quá trình sinh trưởng và phát triển của thỏ con cũng như phòng và chữa một số bệnh thỏ thường mắc phải. Do áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi nên từ 20 con thỏ được anh nuôi thử nghiệm vào tháng 5/2015, nay đã phát triển lên 100 thỏ mẹ và là người đầu tiên làm kinh tế theo mô hình nuôi thỏ cho hiệu quả cao ở Song Giang.
Với 100 thỏ mẹ, trung bình mỗi năm 1 thỏ mẹ đẻ 7 lứa, song anh bố trí tỷ lệ cho thỏ mẹ đẻ hợp lý để các tháng trong năm đều có thỏ con nuôi gối bán thương phẩm. Để đảm bảo ổn định đầu ra, anh đã tham gia HTX Việt Nhật hàng tháng xuất bán cho công ty Nipponzoky từ 140-150 thỏ thương phẩm, trọng lượng bình quân 2,3 kg/con, giá bán 78.000 đồng/kg mang lại nguồn thu gần 30 triệu đồng/tháng. Theo anh Hòa, thỏ là loại dễ nuôi, mất ít thời gian chăm sóc, chi phí thức ăn. Mỗi ngày cho ăn 1 bữa cám mua từ công ty vào buổi sáng và 2 bữa rau xanh các loại. Đối với thỏ thương phẩm nuôi từ lúc đẻ đến xuất bán trong thời gian 3 tháng. Anh Trần Quý Hòa cho biết để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao, ngoài đảm bảo ổn định đầu ra, chế độ dinh dưỡng thì công tác vệ sinh chuồng trại phòng chống một số bệnh thường gặp như: ghẻ, nấm là hết sức quan trọng; nếu để mắc bệnh không những thỏ chậm phát triển còn lây lan ảnh hưởng đến đàn.
Trong thời gian gần đây, người chăn nuôi lợn, gia cầm trên địa bàn huyện Gia Bình luôn gặp khó khăn do đầu ra không ổn định, nhiều hộ còn thua lỗ nặng do trượt giá. Thì mô hình nuôi thỏ liên kết theo chuỗi của anh Trần Quý Hòa ở thôn Chi Nhị - xã Song Giang vừa đảm bảo đầu ra ổn định, giá bán theo hợp đồng là cách làm không mới; song nó tạo cho người dân yên tâm hơn khi đầu tư vào chăn nuôi.