Những lưu ý khi tái đàn vật nuôi sau Tết Nguyên Đán
Cuối năm 2023 huyện Gia Bình có tổng đàn vật nuôi là 887.030 con trong đó đàn trâu, bò 2.270 con; đàn lợn 31.560 con; đàn gia cầm 853.200 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 9.996,7 tấn các loại. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 962,7ha và 805 lồng nuôi cá, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 6625,1 tấn các loại. Thời điểm Tết Nguyên Đán Giáp Thìn nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, một số lượng lớn gia súc, gia cầm đã được tiêu thụ để phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện. Hiện tại, các trang trại, các hộ chăn nuôi đã chuẩn bị các điều kiện để tái đàn vật nuôi nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường cùng với đó là phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay
Trước khi tái đàn, người chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về thị trường, diễn biến giá cả, lượng tiêu thụ để có phương án tái đàn cho phù hợp, tránh trường hợp cung vượt cầu. Xây dựng, củng cố chuồng trại chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi. Khi nhập mua gia súc, gia cầm về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đối với gia súc, gia cầm nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống phục vụ sản xuất chăn nuôi; thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, không bị hỏng, mốc; nước uống đảm bảo vệ sinh, không bị nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại; đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn tại chỗ, các phụ phẩm nông nghiệp để phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi, nhằm giảm chi phí đầu vào trong sản xuất. Thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh cơ giới; định kỳ sát trùng, tiêu độc chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất. Đối với những chuồng nuôi sau khi xuất bán hết gia súc, gia cầm phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa giống vào nuôi mới. Trong trường hợp hộ, cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị mắc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu tái đàn phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày và được sự đồng ý của chính quyền địa phương, cũng như hướng dẫn của cơ quan chuyên môn Thú y.
Bên cạnh đó, do hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ lên xuống thất thường, ảnh hưởng tới sức đề kháng của đàn vật nuôi, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh là rất cao. Vì vậy người chăn nuôi cần thực hiện tốt tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm mới phát sinh hàng tuần để tạo miễn dịch khép kín cho đàn vật nuôi. Duy trì và thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hàng ngày phải kiểm tra đàn vật nuôi, nếu thấy hiện tượng bất thường như sốt cao, bỏ ăn, ho, khó thở… phải nhanh chóng cách ly kiểm tra, theo dõi, đồng thời báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để được hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh thích hợp. Thường xuyên nắm bắt tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch chủ động phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình. Đồng thời thực hiện tốt công tác kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương theo quy định.
Năm 2024 theo mục tiêu đề ra đàn trâu, bò 2.250 con; đàn lợn 32.000 con; đàn gia cầm 900.000 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10.275 tấn các loại. Diện tích nuôi trồng thủy sản 950 ha, tổng sản lượng thu hoạch thủy sản 6.700 tấn các loại. Với việc đẩy mạnh tái đàn ngay từ đầu năm cũng với công tác phòng, chống dịch bệnh được các cấp, các ngành quan tâm sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra, góp phần ổn định tình hình kinh tế- xã hội của toàn huyện năm 2024.