Tăng cường phòng, chống bệnh Cúm gia cầm
Hiện nay, đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc nắng lúc mưa, nhiệt độ về đêm và sáng sớm lạnh. Ðó là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm.
Trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) từ đầu năm 2023 đến hết tháng 01/2024 tổng cộng đã có 8.850 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) do các chủng vi rút CGC A/H5 gây ra. Đặc biệt, tại Cam-pu-chia trong năm 2023 đã có 06 người bị nhiễm vi rút CGC A/H5N1 (trong đó có 04 ca tử vong); từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến dịch bệnh CGC tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, đã có 04 người nhiễm CGC A/H5N1 (trong đó có 01 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam. Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con; trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Gia Bình, tổng đàn gia cầm trên địa bàn khoảng 850 nghìn con. Để chủ phòng, chống bệnh Cúm gia cầm các hộ chăn nuôi cần làm tốt một số biện pháp như: thực hiện Kê khai hoạt đông chăn nuôi với UBND cấp xã trong vòng 03 ngày kể từ khi nhập vật nuôi mới; chủ động tiêm phòng đầy đủ vắc xin Cúm gia cầm đối với những đàn gia cầm mới bắt về hoặc đã hết thời gian miễn dịch; Tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chin, không ăn tiết canh; Khi phát hiện đàn gia cầm của gia đình mình có những biểu hiện bất thường cần báo cho cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp xã để có hướng dẫn xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh khu vực chăn nuôi, phun khử trùng 1 lần/tuần toàn bộ khu vực chuồng nuôi và các khu vực xung quanh chuồng nuôi.
Trong thời điểm thời tiết giao mùa, công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm cần được quan tâm, chú trọng. Đây là tiền đề quan trọng đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững./.