Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng chống rét cho đàn vật nuôi và đàn thủy sản

24/01/2024 15:26 View Count: 173

Hiện nay tình hình thời tiết giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 có chiều hướng diễn biến phức tạp với khả năng không khí lạnh hoạt động mạnh, đi kèm các đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc gia cầm gia tăng mạnh đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần lưu ý chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh và phòng chống rét cho đàn vật  nuôi và đàn thủy sản


 

Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi: Cần áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp tùy thuộc vào quy mô; thực hiện tẩy giun sán cho gia súc và tiêm phòng định kỳ, đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi như: đối với gia cầm (Cúm gia cầm, Niu cát xơn…); lợn (Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn cổ điển, Dịch tả lợn Châu Phi…); dê, cừu (Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng); trâu, bò (Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục). Ngoài ra, đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hàng ngày cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch. Khi phát hiện bệnh trên đàn vật nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn thủy sản:áp dụng biện pháp phòng, trị bệnh cho cá lưu đông bằng cách định kỳ 15 - 20 ngày/lần sử dụng vôi bột CaO hoặc vôi tôi Ca(OH)­2 với lượng 2 - 3kg/100m2 hoặc Vạn tiêu linh (TCCA) 1kg/2.500 - 3.000m3 để xử lý môi trường nước. Ngoài ra, định kỳ 15 - 20 ngày/lần sử dụng vitamin C với lượng 20 - 30mg/kg cá cho ăn 5 - 7 ngày liên tục; Định kỳ 1 tháng/1 lần, xay tỏi trộn vào thức ăn phòng bệnh cho cá với lượng 1kg tỏi/700 - 1.000kg cá để tăng cường sức đề kháng cho cá. Khi phát hiện đàn cá bị bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

Công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi: Cần gia cố chuồng trại cho phù hợp để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên liệu sẵn có như: rơm, rạ  hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng để vật nuôi tăng khả năng chống rét. Có thể sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... (chú ý thường xuyên theo dõi khi đốt sưởi, để xa dụng cụ đốt với vật liệu dễ cháy trong chuồng nuôi như: bạt che, chất độn chuồng, các thanh che chắn bằng vật liệu dễ cháy…). Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 120C). Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với từng loại vật nuôi, khẩu phần ăn phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung them vitamin để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi..

Công tác phòng chống rét cho đàn thủy sản

Đối với nuôi cá trong ao đất: thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tích cực đối với đàn cá bố mẹ, cá bố mẹ hậu bị và cá giống lưu đông (đặc biệt các hộ nuôi giữ cá giống rô phi đơn tính, cá chim trắng) để giúp cá tăng sức đề kháng bằng cách sử dụng thức ăn có độ đạm >30% Protein, thóc ủ mầm, đỗ tương, ngô nấu chín… Nên cho cá ăn vào lúc trời ấm (buổi trưa), thức ăn được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của loài cá nuôi (chú ý: cho cá ăn vào ngày nắng ấm khi nhiệt độ nước > 200C, khi nhiệt độ xuống dưới 200C cần giảm hoặc ngừng cho cá ăn). Các hộ nuôi cá rô phi đơn tính, chim trắng… thương phẩm cần chăm sóc tích cực để cá đạt kích cỡ thu hoạch trước khi có rét đậm, rét hại. Đối với cá chưa đủ kích cỡ thu hoạch, cá bố mẹ, cá bố mẹ hậu bị, cá giống nuôi lưu đông cần chuyển cá vào các ao kín gió và đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (ao có độ sâu mực nước > 2,5m). Đối với những vùng không thuận lợi về nước cấp, tạo một hố sâu trong ao dài từ 2,5 - 3,0m, chiều rộng 2,0 - 3,0m, sâu 0,5m so với đáy ao để làm nơi cho cá trú đông, biện pháp này giúp cho thuỷ sản nuôi tránh được rét ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời xuống 100C.  Thả bèo tây lên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao, lưu ý bèo phải được gom vào một góc ao để tạo nơi tránh rét cho cá, đồng thời tránh bèo phát triển tràn lan che kín hết mặt ao làm giảm độ thông thoáng của ao. Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý làm sạch nước, gây màu nước nhằm hấp thụ tối đa nhiệt lượng mặt trời.

Đối với nuôi trồng thủy sản lồng trên sông: các loài thuỷ sản khi đã đạt kích cỡ thương phẩm hoặc gần đến kỳ thu hoạch, có thể tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế xảy ra hiện tượng thuỷ sản bị chết vì rét, làm thiệt hại kinh tế. Chủ động che phủ 1/2 - 2/3 mặt lồng nuôi bằng bạt hoặc lưới đen vào thời gian rét đậm, rét hại để cá tụ đàn, tránh gió lùa, ổn định mặt nước lồng nuôi, hạ độ sâu đảm bảo độ sâu của lồng nuôi luôn ở mức > 3,0m. Định kỳ 10 - 15 ngày dùng vôi bột với lượng 5 - 10kg/túi hoặc viên TCCA, BKD... với liều lượng 0,5kg/túi ở độ sâu bằng 1/3 - 1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi để diệt trùng và nấm gây bệnh cho đối tượng thủy sản. Tùy vào giai đoạn sinh trưởng, sức khỏe của cá và nhiệt độ môi trường nước để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Bổ sung Vitamin C định kỳ để tăng cường sức đề kháng của cá; chú ý giữ vệ sinh lồng nuôi luôn thông thoáng để phòng bệnh cho cá.

         

Nguyễn Thị Thảo - Trạm chăn nuôi, thú y và thủy sản huyện Gia Bình