Gia Bình vùng đất địa linh nhân kiệt

13/10/2015 09:36 Số lượt xem: 15041

                                    Gia Bình vùng đất địa linh nhân kiệt

  Trong sự nghiệp “dựng nước và giữ nước” hàng nghìn năm qua của dân tộc Việt Nam, vùng đất Gia Bình địa linh đã sinh thành nhiều nhân kiệt, cống hiến trọn đời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục, ngoại giao, quân sự …góp phần tạo dựng non sông gấm vóc và cuộc sống yên bình cho quê hương, đất nước.

  Ngay từ thuở bình minh lịch sử, thời Hùng Vương – An Dương Vương, Gia Bình vùng đất địa linh đã sinh ra nhân kiệt là vị tướng tài Cao Lỗ quê xã Đại Than (nay thuộc xã Cao Đức), đã có công giúp An Dương Vương xây dựng triều chính, đánh giặc và chế tạo “nỏ thần” đánh giặc giữ nước. Để ghi nhớ người có công với dân với nước, nhân dân xã Đại Than đã lập đền thờ Cao Lỗ, đền nằm trên bãi bồi mặt hướng tới ngã ba sông Lục Đầu, truyền rằng hiển ứng linh thiêng và đền còn bảo lưu được tượng thờ, thần phả, sắc phong kể về ông.

  Thời Bắc thuộc, nhà Hán xâm lược nước ta thiết lập chế độ thống trị, áp bức, bóc lột tàn bạo, thậm chí còn muốn “đồng hoá” dân tộc ta. Không chịu nổi ách thống trị của chúng, từ vùng núi Mê Linh, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa tiến đánh Thái thú Tô Định ở trị sở thành Luy Lâu. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, hàng loạt các danh tướng người Gia Bình đã chiêu mộ quân sĩ, tập kết lương thảo, chuẩn bị vũ khí và đã hội quân với Hai Bà Trưng đánh tan quân xâm lược tại thủ phủ Luy Lâu, thu về 65 thành trì, giải phóng non sông khỏi ách áp bức bóc lột. Đó là các danh tướng Doãn Công, Đào Nương, Côn Nương, Chiêu Nương, Ả Lã, Rồng Nhị đã xả thân vì nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành độc lập cho Tổ quốc của Hai Bà Trưng. Bản anh hùng ca về những tấm gương anh dũng vô song của các danh tướng Gia Bình ngàn năm còn ngời sáng.

            Trong thời Bắc thuộc nhân dân ta sống cơ cực dưới ách áp bức bóc lột của các thế lực phong kiến phương Bắc như: Hán, Tuỳ, Lương, Đường… Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương. Nhân dân huyện Gia Bình đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu nhất là Tuy Ông quê làng Lập Ái (xã Song Giang) và tên tuổi ông còn được dân gian truyền tụng.

 Đến thời Lý, vùng đất Gia Bình nổi tiếng bởi tên tuổi Trạng nguyên, Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông sinh năm Canh Dần ( 1050) tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên gọi là Minh kinh bác học để chọn nhân tài xây dựng đất nước, Lê Văn Thịnh đỗ đầu và được tôn vinh là “Trạng nguyên khai khoa”. Ông có nhiều công lớn, ông được triều Lý thăng đến chức Thái sư, không những đã giúp triều Lý thiết lập triều chính, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục…mà còn là thầy dạy của vua Lý Nhân Tông khi ấy còn nhỏ tuổi.

           Thời Trần, vùng đất Gia Bình nổi tiếng bởi tên tuổi của Trạng Nguyên, Thiền sư Huyền Quang, sinh năm Giáp Dần (1254), người làng Vạn Ty, xã Thái Bảo, là bậc tài cao đức trọng và đã đi vào huyền thoại của Thiền phái Trúc Lâm. Ông vừa là một Đại Thiền sư vừa là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông còn 24 bài thơ chữ Hán chép trong “ Việt Âm thi tập” và “Toàn Việt thi lục”…Sau Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông và  Pháp Loa, ông được phong tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Người ta đã xem 3 vị tổ Thiền trên ngang với 28 vị tổ của phái Thiền Ấn Độ. Nhân dân lập đền và chùa thờ ông ở quê hương.

          Thời Trần, giặc Nguyên – Mông hung hãn, vó ngựa cung tên của chúng đã giày xéo khắp thế giới, nhưng sang đến nước Đại Việt ta chúng đã đại bại, tiến quân 3 lần thì cả 3 lần đều bị đánh lui. Âm vang chiến thắng của quân dân nhà Trần còn để lại dấu ấn bằng hội nghị Bình Than với lời thề “sát thát” trên cửa Đại Than thuộc xã Cao Đức. Và hội nghị Bình Than đã trở thành “biểu tượng” của sức mạnh Đại Việt, về hào khí “sát thát” và mãi mãi là trang sử vàng sáng ngời của non sông đất nước Việt Nam.

 Danh nhân đất Gia Bình thời khoa bảng Hán học còn phải kể đến hàng chục tiến sĩ của các làng xã, tiêu biểu như thôn Đại Bái (xã Đại Bái) như: Phạm Hoảng đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi nhà Mạc (1535) làm quan giữ “Hộ tào” dân cư yên ổn; Nguyễn Trầm đỗ tiến sĩ năm Đinh Mùi làm quan trong nam Điển Lễ, nghi lễ đầy đủ tôn nghiêm; Nguyễn Ngạn Hằng đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch (1550) làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình, được phong Thiên Bảo; Nguyễn Kỳ Phùng đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Diên Thành (1580) tài văn rực rỡ, làm quan đến chức Các hiệu thư kiêm việc Hàn lâm; Đỗ Viết Thành đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thọ (1661) tính người cương trực, đàn hặc uy nghiêm, phán xét công minh; Nguyễn Công Tạo đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hoà (1640) làm quan Hiệu Thảo, tài văn tựa như gấm thêu; Hiến sát họ Nguyễn được tuyên triệu vào kinh, giúp cơ đồ triều chính vững mạnh; Nguyễn Công Hiệp văn võ kiêm toàn, làm Đô đốc nắm việc quân lại, soạn tu quốc sử, được chúa cậy trông coi là nanh vuốt Thái tử xem làm mẫu mực phải theo; Nguyễn Văn Thực đỗ Thám hoa năm Kỷ Hợi, tài văn chương cái thế, chức Thượng thư bộ binh, phong tặng Thượng thư bộ lại, quốc gia trông cậy, làm cốt cán triều đình, làm mẫu mực biểu dương.

  Thôn Phương Triện thuộc xã Đại Lai có nhiều người đỗ tiến sỹ như: Phạm Công Thiện đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thân niên hiệu Vĩnh Trị 5 (1680) triều vua Lê Hy Tông năm 1680, làm quan đến chức Tham chính. Trần Phụ Dực đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hoà 4 (1683) triều vua Lê Hy Tông, làm quan trải các chức Giám sát đạo Hải Dương, Giám sát ngự sử đạo Sơn Tây, Hiến sát sứ Hưng Hoá, Tham chính Lạng Sơn… làm việc công minh chính trực ghét bè phái. Trần Danh Ninh là con của Trần Phụ Dực, đỗ Hoàng Giáp khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731), làm quan trải các chức Hàn lâm thị độc Bồi tụng, Quốc tử giám tế tửu, Đông các đại học sĩ, Tả thị lang bộ Hình kiêm Sử quán tổng tài, tước Bá, Hầu. Trần Danh Lâm là em Trần Danh Ninh, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731) triều vua Lê Duy Phường, làm quan trải các chức Đốc đồng Cao Bằng, được phong tước Du Lĩnh Hầu, Hữu thị lang bộ Công, Thị lang bộ Binh, Tả thị lang bộ Hộ, kiêm Ngự sử đài đô, năm 1769 về trí sĩ được thăng Thượng thư bộ Công. Trần Danh Án là con trai của Trần Danh Lâm, cháu nội của Trần Phụ Dực, đỗ Hoàng Giáp khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787) đời Lê Mẫn Đế…

  Như vậy, Gia Bình một vùng đất “địa linh nhân kiệt”đã sinh ra những danh nhân nổi tiếng, tiêu biểu là 5 vị Trạng nguyên, trong đó có trạng nguyên khai khoa, có trạng nguyên là Đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm, là thi sĩ danh tiếng, có thần đồng …Các bậc hiền tài trên từng là “rường cột” của các triều đại, của quốc gia và đã làm rạng danh những trang sử vàng của quê hương, đất nước.

  Trong lịch sử, người Gia Bình bên cạnh những bậc danh nhân khoa bảng, công thần tài cao đức trọng, còn là những người nông dân ở các làng xã mà vốn hiền lành, chất phát, chịu thương, chịu khó và tài hoa. Từ lâu đời, ngoài nghề nông trồng lúa nước, người dân còn làm thêm nhiều nghề phụ và đã có những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: gò đúc đồng Đại Bái, Tre trúc Xuân Lai, khâu nón lá thôn Môn Quảng ( Lãng Ngâm), nuôi tằm dệt lụa của thôn Ngăm Lương ( Lãng Ngâm), làm quanh gánh của thôn Triện Quang ( Đại Lai)….Nổi tiếng hơn cả là làng gò đồng Đại Bái và Tre Trúc Xuân Lai. Những sản phẩm của các làng nghề Đại Bái và Xuân Lai, không những mang giá trị thực dụng cao, mà còn mang tính nghệ thuật độc đáo, mang đậm hồn dân tộc, được mọi miền ưa chuộng và có thương hiệu vàng trên thị trường quốc tế.