Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp những vấn đề đặt ra

08/08/2024 09:55 Số lượt xem: 43

Những năm gần đây cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp xây dựng cánh đồng tập trung, tích tụ ruộng đất, thâm canh sản xuất theo hướng hàng hóa, công nghệ cao; nông dân trên địa bàn huyện Gia Bình đã đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và chăn nuôi, nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.


Sử dụng máy quạt nước trong nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Dương

Trong những năm qua mức độ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trên địa bàn huyện Gia Bình đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh. Theo thống kê đến nay toàn huyện có trên 300 máy nông nghiệp các loại, trong đó có 282 máy làm đất các loại và máy gặt đập liên hợp, ngoài ra còn có các loại máy phục vụ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.... Số máy trên đã đáp ứng yêu cầu làm đất, thu hoạch, chăm sóc gia súc gia cầm và thủy sản cũng như bảo quản sau thu hoạch của nông dân, thay thế sức kéo từ trâu bò và giải phóng sức lao động của nông dân trong toàn huyện. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu công việc như: Làm đất, bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt lúa, … tỷ lệ cơ giới hóa các khâu công việc trong sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng dần. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hầu hết các trang trại, gia trại lớn xây dựng chuồng nuôi khép kín, áp dụng cơ giới hóa vào một số khâu như: vệ sinh máy phun thuốc sát trùng chuồng trại, hệ thống quạt hút; chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng hầm Biogas,… Một số hộ chăn nuôi gia cầm như gà, vịt quy mô trang trại đã thực hiện cơ giới hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống. Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi đã giúp bà con nông dân giảm chi phí lao động, nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác, giảm ngày công chăm sóc gia súc gia cầm, phòng chống dịch bệnh. Đây được xem là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo kịp thời vụ, giảm được nhiều chi phí, tiết kiệm thời gian, công lao động mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh tăng vụ, tạo tiền để quan trọng cho địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá trong một số khâu còn ở mức thấp, không đồng đều, mới tập trung chủ yếu một số khâu như làm đất, thu hoạch lúa. một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, khâu chế biến, bảo quản nông sản …. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi trên địa bàn huyện còn hạn chế. Chính vì vậy để đáp ứng nhu cầu hiện nay, huyện Gia Bình đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào trong sản xuất và chăn nuôi như: đối với trồng trọt: cần tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất: từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, tưới¸ thu hoạch, khâu sấy, bảo quản… Đối với chăn nuôi, sử dụng thiết bị cho chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thị trường, phát triển ngành chăn nuôi an toàn, bền vững, huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nông dân mua máy, hướng dẫn sử dụng cũng như tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, góp phần tăng tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp và chăn nuôi đáp ứng yêu cầu nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện./.   

Xuân Thủy