Dự báo một số sinh vật hại chủ yếu tháng 8
1. Trên lúa mùa
1.1. Bệnh lùn sọc đen: Bệnh do virus gây ra và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Nguồn rầy lưng trắng chuyển tiếp từ vụ xuân sang cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cùng với thời tiết nắng nóng, kèm theo mưa giông sẽ thuận lợi cho rầy lưng trắng gia tăng mật độ nên bệnh lùn sọc đen có nguy cơ phát sinh gây hại cao trên lúa mùa.
1.2. Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Bệnh có khả năng phát sinh sau các đợt mưa giông, bão cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vào giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng; bệnh sẽ gia tăng trên những diện tích lúa bón nặng đạm, bón lai rai, ruộng trũng hẩu, các giống mẫn cảm như: TBR225, BC15, Nếp,…
1.3. Bệnh bạc lá: Bệnh phát sinh giữa tháng 8, cao điểm gây hại từ cuối 8 đến cuối tháng 9 giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ chín, trên các giống mẫn cảm như: TBR225, Bắc thơm số 7, VNR20, Nếp,… ở những chân ruộng thường xuyên bị bệnh, ruộng trũng hẩu, bón thừa đạm.
1.4. Sâu cuốn lá nhỏ:
Lứa 5: Trưởng thành sẽ vũ hóa tập trung cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, sâu non nở và hại tập trung từ đầu đến trung tuần tháng 8, phân bố chủ yếu trên diện tích lúa mùa gieo cấy trước ngày 10/7, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
Lứa 6: Trưởng thành vũ hóa tập trung từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9; sâu non nở và gây hại tập trung từ đầu đến trung tuần tháng 9, phân bố diện rộng trên các trà lúa giai đoạn làm đòng đến trỗ bông; khả năng DTN cao hơn cùng lứa vụ mùa 2023
1.5 Rầy nâu. Rầy lưng trắng
Lứa 5: Rầy cám nở và gây hại tập trung từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, rầy lưng trắng chiếm đa số, đây là giai đoạn mẫn cảm của cây lúa với bệnh lùn sọc đen nên cần thường xuyên theo dõi mật độ rầy lưng trắng.
Lứa 6: Rầy cám nở và gây hại tập trung từ trung tuần đến cuối tháng 8, phân bố trên các trà lúa, giống nhiễm rầy như: Bắc Thơm 7, nếp, BC15, TBR225,... ruộng trũng, lưu nước, ổ rầy từ vụ trước năm trước.
1.6. Sâu đục thân 2 chấm:
Lứa 4: Trưởng thành vũ hóa và đẻ trứng tập trung từ trung tuần đến cuối tháng 8, sâu non gây dảnh héo lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng và gây bông bạc diện tích lúa mùa gieo cấy sớm trỗ trong tháng 8 và đầu tháng 9; mức độ hại nhẹ đến trung bình
1.6. Bệnh khô vằn: Bệnh gia tăng gây hại từ trung tuần tháng 8 đến giữa tháng 9, giai đoạn làm đòng đến chín; hại nặng ruộng gieo cấy dày, bón nặng đạm, mức độ hại khả năng tương đương vụ mùa 2023
1.7. Chuột đồng:
Chuột tiếp tục hại tăng giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ đến làm đòng, tập trung ở những diện tích bị xen kẹp trong các khu dân cư, khu công nghiệp, ven gò bãi, ven bờ mương nước.
1.8. Lúa cỏ: Hại chủ yếu trên lúa gieo thẳng, trên những diện tích vụ trước, năm trước bị nhiễm lúa cỏ mức độ hại khả năng cao hơn vụ mùa 2023.
Lãnh đạo UBND huyện kiểm tra sâu bệnh
2. Trên cây rau màu
2.1. Rau các loại: Sâu khoang, sâu xanh, rệp, bọ trĩ, bệnh đốm lá gây hại mức độ nhẹ đến trung bình.
2.2. Ngô hè thu: Sâu keo mùa thu gây hại trên ngô giai đoạn 3-7 lá, tỷ lệ hại nơi cao 5-15 % số cây. Do diện tích trồng ngô chủ yếu trên đất bãi, rải vụ và sâu có sức ăn lớn nên khả năng mức độ hại sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, sâu cắn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, gỉ sắt phát sinh gây hại mức độ nhẹ, cục bộ hại nặng.
3. Biện pháp kỹ thuật
3.1.Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo tình hình sinh vật gây hại trên lúa, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về phương pháp điều tra phát hiện sinh vật gây hại, tiến hành phòng trừ khi dịch hại đến ngưỡng.
3.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại lúa, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả; áp dụng rộng rãi quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).