Hiệu quả mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ bằng chế phẩm vi sinh ở Song Giang
Có 160 hộ gia đình tham gia thí điểm. Mỗi hộ được trang bị 2 thùng để phân loại và chế phẩm vi sinh EM-Bokashi để ủ rác; được hướng dẫn cách phân loại rác vô cơ và hữu cơ, xử lý rác tại nhà bằng phương pháp đào hố ủ.
Chị Trần thị Tuyến - chủ tịch Hội phụ nữ xã Song Giang cho biết: Sau khi được chọn làm điểm, Hội phụ nữ xã đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt phụ nữ, trên hệ thống loa truyền thanh thôn, xã về sự cần thiết, ý nghĩa của mô hình, vận động hội viên và người dân tích cực làm theo. Đồng thời coi đây là tiêu chí thi đua gắn với phong trào xây dựng gia đình “năm không, ba sạch” của các tổ, hội phụ nữ. Phong trào được đông đảo hội viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện, từ 160 hộ làm điểm, đến nay đã có hàng trăm hộ tại 4/4 thôn của xã Song Giang thực hiện mô hình.
Quy trình xử lý rác theo mô hình rất đơn giản, hàng ngày, các loại rác thải sinh hoạt trong gia đình được thu gom và phân loại, rác hữu cơ như vỏ rau củ, cơm thừa… sẽ cho vào hố rác đào sẵn với kích thước dài, rộng khoảng 70 cm, sâu 1m. Cứ một lớp dày 30 cm thì rắc 1 lượt chế phẩm EM. Sau chừng 30 ngày, rác phân huỷ thành phân hữu cơ thì lấp đất lên và có thể trồng cây trực tiếp trên đó. Còn các loại rác vô cơ như túi nilon, nhựa… sẽ được gom để bán phế liệu, còn lại thì để nơi quy định để đem ra bãi rác tập trung.
Gia đình bà Trần Thị Khuyến - thôn Chi Nhị là một trong những hộ làm thí điểm. Mùa trước bà đã trồng hơn chục gốc chuối trong vườn. Bà cho biết, chuối được bón bằng phân hữu cơ ủ từ rác lên xanh, tốt, quả chín đều đẹp hơn so với bón phân hoá học. Việc phân loại rác hàng ngày cũng đem lại cho bà số tiền nhỏ từ bán phế liệu. Vì vậy, bà tích cực vận động, hướng dẫn các thành viên trong gia đình và các hộ xung quanh làm theo. Gia đình bà còn xây bể ủ rác kiên cố để “mua vi sinh làm tiếp khi hết được hỗ trợ”- bà nói.
Khi người dân có biện pháp xử lý rác hiệu quả, công việc của bà Nguyễn Thị Thắm - thành viên tổ thu gom rác thôn Chi Nhị cũng đỡ vất vả hơn. Bà chia sẻ: “Thôn có 700 hộ, trước kia mỗi tuần, chúng tôi phải thu gom, chở 7-8 tạ rác ra bãi. Nay đã giảm hơn một nửa, người dân cũng không vứt rác bừa bãi ở dìa đường, bờ kênh mương nữa. Chúng tôi đỡ công thu nhặt, vận chuyển, xử lý rác ở bãi tập trung”.
Từ việc phân loại, xử lý rác tại nhà, Hội phụ nữ xã Song Giang còn tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom xử lý vỏ chai, lọ, bao bì đúng cách, đúng nơi quy định, tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay cho phân bón hoá học…Nhằm làm sạch đồng ruộng, cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đánh giá về hiệu quả mô hình, Chị Nguyễn Thị Luân - Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Gia Bình nói: “Việc xử lý bằng biện pháp phân loại rác, dùng chế phẩm vi sinh để ủ thành phân huỷ thành phân hữu cơ vừa mang lại nguồn phân bón chăm sóc cây trồng vừa giúp môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Ở nông thôn, hầu hết gia đình nào cũng vườn nên việc đào hố chôn ủ rác dễ làm, thuận tiện và phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân. Ở Song Giang, nhiều hộ còn tận dụng chuồng nuôi, nhà tiêu cũ không sử dụng để ủ rác đã hạn chế được sự sinh sôi của ruồi, muỗi. Góp phần ngăn chặn sự phát triển, lây lan của dịch bệnh trên người và đàn vật nuôi trong các khu dân cư”.
Hiện nay, ở huyện Gia Bình, mô hình đã được Sở Khoa học và Công nghệ và Hội phụ nữ tỉnh triển khai thêm tại 445 hộ dân ở xã Đông Cứu. Từ đây, Hội phụ nữ huyện Gia Bình sẽ rút kinh nghiệm, đồng thời phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cũng như có các biện pháp hỗ trợ để nhân rộng mô hình ra toàn huyện trong thời gian tới. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sinh hoạt trong cộng đồng để mọi người cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp./.