Làm giàu từ nghề trồng cây cảnh
Gắn bó với nghề trồng và tạo dáng cây cảnh gần 16 năm, đến nay vườn cây cảnh của anh Nguyễn Bá Nghiên - thôn Vạn Ty - xã Thái Bảo (huyện Gia Bình) đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi gặp anh Nghiên trong một buổi trưa nắng giữa không gian vườn với những cây si, sanh, tùng, nguyệt quế, lựu, giấy.. được tạo hình khéo léo với đủ các thế như bạt phong, long dáng, lão si, phụ tử, mẫu tử, dáng trực, dáng hoành... tạo nên bức tranh sinh động về thế giới nghệ thuật cây cảnh.
Những cây cảnh, hoa cảnh trong vườn hầu hết được anh trồng, sáng tạo từ những cây phôi. Anh Nghiên cho biết: “một cây cảnh có giá trị phải đạt 3 yếu tố “cổ- kỳ- mỹ”, do đó, ngoài việc vất vả tìm mua những gốc, thân cây già về trồng, còn phải mất rất nhiều thời gian để chăm sóc, uốn thân, tỉa tay, cành…tạo cho cây một “thế độc”, đẹp. Với cây cảnh nghệ thuật thì phải tạo cảnh, trước tiên là phải thu nhỏ kích thước của nó, gốc to, thân già, gốc và thân có thể mục một phần hoặc rỗng ruột nhưng cành lá phải non tơ đầy sức sống”.
Anh Nghiên đến với nghề trồng cây cảnh rất tình cờ. Đầu năm 1997, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lập gia đình rồi một mình vào Nam làm kinh tế cuối năm đó. Ở nhà trọ, anh trồng vài ba cây cảnh, để “lúc rỗi việc lại mang kéo ra tỉa tót, uốn nắn cho đỡ nhớ vợ con”- anh chia sẻ. Lúc đầu anh trồng ít cây sanh, cây si nhưng trồng được cây nào, khách đến chơi lại hỏi mua cây đó. Thấy “làm chơi mà ăn thật”, năm 2000 anh về quê và bắt đầu kinh doanh cây cảnh từ đó.
Trong quá trình trồng, anh chịu khó tìm hiểu, học hỏi trên báo, đài, tham quan rút kinh nghiệm từ các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, tự rút kinh nghiệm về kỹ thuật cắt, tỉa, chăm sóc cây cảnh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cây cảnh cần đất tơi, xốp, thoáng nước, cây cũng dễ bị các bệnh như phấn trắng, chảy nhựa, đốm lá, thủng lá, xoắn lá, mục thân… nhất là các cây trong chậu - do không gian chậu thường nhỏ hẹp, đất ít và nông, nắng hay bị khô, mưa hay bị úng. Do vậy, cần có chế độ chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ, tưới nước phù hợp, đồng thời nhận biết chính xác các loại sâu bệnh để phòng trừ hiệu quả. Anh Nghiên cho biết, chăm sóc cây cảnh quan trọng nhất là phải bón phân đúng cách theo phương châm “4 nhiều, 4 ít, 4 không, 3 kỵ” thì cây cảnh mới tươi, đẹp, ra hoa, ra lá nhiều theo nhu cầu của người trồng.
Anh Nghiên cho rằng, trồng cây cảnh ngoài niềm đam mê còn phải mạnh dạn đầu tư và kiên nhẫn. Vì cây cảnh không như những loại cây khác, có khi hàng tuần không bán được cây nào nhưng có ngày lại bán được cả chục triệu đồng nên anh đã áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách sản xuất thêm chậu, bệ cây cảnh, trồng hơn 100 gốc ổi găng … số tiền thu được mỗi năm lại được anh dành để đầu tư tiếp.
Sau nhiều năm, dưới bàn tay khéo léo cùng sự kiên trì của mình, anh Nghiên đã uốn nắn, chăm sóc và sáng tạo được nhiều chậu cây cảnh quý. Hiện nay, anh có hơn 100 chậu cây cảnh với đủ thế dáng được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, trong đó cây có giá cao nhất khoảng 400 triệu đồng như: “Lão si bồng xuân” (si), “Hành tinh xanh” (duối), “Hoa giấy dáng hoành”…Đây cũng là những tác phẩm đã đạt giải vàng tại Triển lãm Hội hoa xuân Bắc Ninh năm 2015, 2016 và Festival sinh vật cảnh thủ đô 2016. Ngoài cây trồng trong chậu, anh Nghiên còn có nhiều cây phôi đang được trồng dưới đất từ chiết, ghép, ươm hạt. Anh dự định sẽ mở rộng diện tích trồng cây cảnh lên 1,5 ha trong đó chú trọng vào các loại cây hoa cảnh có hương, có sắc như lựu, hồng, mẫu đơn, giấy…vì những cây này có thời gian trồng ngắn và đang được thị trường ưa chuộng.
Từ thực tế trồng cây cảnh của gia đình anh Nguyễn Bá Nghiên cho thấy, đây là nghề hợp với quy mô vừa và nhỏ mang lại thu nhập khá cho người dân. Góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, giúp cảnh quan môi trường thêm xanh, sạch, đẹp…Tuy nhiên, để phát triển nghề này đòi hỏi người trồng phải biết những kỹ thuật nhất định về chăm sóc, tạo dáng cây cảnh. Ông Vũ Tiến- chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Gia Bình cho biết, Hội đã có kế hoạch phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở lớp dạy nghề trồng hoa, cây cảnh, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh nghệ thuật, tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế để thúc đẩy phong trào sinh vật cảnh của huyện từng bước phát triển./.