Người cựu chiến binh say mê với đồng ruộng

04/03/2016 08:33 Số lượt xem: 56
Nói đến Ông Nguyễn Văn Ba - CCB thôn Khoái Khê, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì người dân trong xã, cũng như các ngành trong khối nông nghiệp huyện Gia Bình đều biết đến bởi Ông là người đầu tiên ký hợp đồng sản xuất giống lúa với Viện giống cây trồng Trung ương và cũng là người đi tiên phong dám đầu tư đưa máy cấy không động cơ vào đồng đất Gia Bình.

Sinh ra và lớn lên ở xã Nhân Thắng Anh hùng. Có lẽ truyền thống quê hương anh hùng trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất đã hun đúc lên tính cách, ý chí quyết tâm cho những người sinh ra và lớn lên ở nơi đây như ông Ba. Cũng như bao thanh niên khác, năm 1978 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc Ông lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, sau 4 năm phục vụ trong quân đội, năm 1982 ông được xuất ngũ. Trở về địa phương, với sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình ông bắt tay ngay vào lao động sản xuất và tích cực tham gia các công tác xã hội đoàn thể ở thôn với các chức vụ như: Trưởng thôn, chủ nhiệm HTX. Là người trực tiếp điều sản xuất nên ông thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của nghề làm nông nghiệp, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thu nhập không được bao nhiêu.  Điều đó đã làm nhen nhóm lên trong ông ý nghĩ phải đổi mới cách làm để người nông dân bớt khổ mà lại có thu nhập cao. Năm 2009 - 2010, địa phương ông thực hiện dồn điền đổi thửa, ô thửa nhỏ tập hợp thành những ô thửa lớn, thuận tiện đưa máy móc vào làm đất và các giống mới vào gieo trồng. Lúc đó, chủ trương của huyện và xã cũng là đưa các giống lúa lai, lúa hàng hóa vào gieo cấy để nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho nông dân. Như cá gặp nước, với vai trò là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, ông Ba có cơ hội thực hiện những dự định mình ấp ủ bao năm. Ban đầu thực hiện chủ trương này, ở HTX  của ông cũng gặp rất nhiều khó khăn. Xã viên chưa tin tưởng vào hiệu quả các giống lúa mới, vì vậy để nông dân yên tâm ông gương mẫu đưa lúa lai vào cấy ruộng nhà mình trước. Ông tâm niệm: “mình là CCB, là bộ đội Cụ Hồ phải có tinh thần xung phong cách mạng, hơn hết lại là chủ nhiệm HTX thì phải gương mẫu đi đầu, chủ nhiệm không làm thì xã viên nào làm”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ngay từ những vụ đầu HTX Khoái Khê của ông đã thành công đưa giống lúa mới vào gieo cấy đạt hơn 70% diện tích. Nông dân được mùa rất phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương đổi mới của địa phương, đặc biệt uy tín của ông Ba chủ nhiệm HTX được khẳng định. Năm 2013, sau khi nghỉ công tác HTX nhưng Ông vẫn canh cánh một điều là mình phải làm gì đó để người dân xã Nhân Thắng nói riêng và người dân huyện Gia Bình nói chung giảm được sức lao động và chi phí đầu vào trong sản xuất. Từ suy nghĩ ấy hàng ngày ông đều dành thời gian xem tivi hoặc lên mạng internet để tìm hiểu các thông tin nông nghiệp. Biết được ở Thái Bình có sản xuất và bán máy cấy, tháng 12/2015 ông đã lặn lội thuê hẳn một chuyến ô tô xuống tận nơi tìm hiểu. Qua đó ông thấy loại máy cấy không động cơ này nhỏ gọn, rất phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương mình. Từ ý tưởng chỉ mua một chiếc về làm thử, thấy ưng Ông đã mua liền một lúc 4 chiếc máy cấy với tổng giá là hơn 20 triệu đồng. Để đảm bảo cho máy hoạt động tốt, ông còn nhờ nhà sản xuất truyền đạt kỹ thuật, kinh nghệm gieo mạ dành riêng cho máy cấy. Ông kể "khi Chuyển mày về nhà, vợ Ông cho ông là người không bình thường vì đã vác cả đống tiền đi mua cái thứ từ trước đến nay địa phương chưa có người mua Ông chỉ cười xòa rồi Bà sẽ thấy". Nghe ông phân tích, vợ ông dần cũng xuôi và ủng hộ ý tưởng của Ông. Bước vào sản xuất vụ xuân 2016, gia đình gieo cấy hơn 1 mẫu ruộng, Do chưa chuẩn bị được khay theo hướng dẫn của nhà sản xuất nên Ông gieo toàn bộ diện tích mạ trên nền ruộng có lót nilon. Nhờ thực hiện đúng kỹ thuật nên mạ của gia đình ông sinh trưởng tốt, đưa vào máy cấy rất phù hợp. Ông Ba cho biết: " Để máy cấy không động cơ hoạt động tốt Ông đã cải tiến bề mặt tiếp xúc với ruộng để bùi không tràn vào làm cho máy nhẹ hơn khi sử dụng và gia công thanh chắn mạ để máy cấy được nhiều loại mạ dài, ngắn khác nhau". Với một máy cấy không động cơ nếu gieo mạ chuẩn thì một người cấy được từ 7-8 sào/ngày, giảm được sức lao động, nhất là đối với chị em phụ nữ những người thường đảm nhiệm việc cấy hái, giảm được tiền thuê nhân công, cấy đúng tuổi mạ và chớp được thời vụ. Những ngày này, nông dân các xã như: Lãng Ngâm, Đại Bái, Nhân Thắng đã không còn lạ lẫm với hình ảnh ông Ba cặm cụi cắt mạ, kéo máy cấy giúp các hộ mà không lấy tiền công, Ông cho biết: "Mục đích là để mọi người đều thấy máy cấy không động cơ vào được với đồng ruộng quê mình để cùng sử dụng trong những vụ tới". Chị Nguyễn Thị Bốn – một nông dân ở xã Đại Bái nghe tin đã xuống tận nhà ông để được nhìn và học tập cách sử dụng máy cấy. Sau khi được hướng dẫn và tự tay kéo máy cấy trên ruộng, chị Bốn phấn khởi nói:" Sử dụng rất đơn giản, nhanh tới đây gia đình sẽ mua một cái".

Không chỉ đưa máy cấy về đồng ruộng, được biết từ năm 2011 đến nay ông Ba còn tiếp sức cho nông dân bằng cách đứng ra ký hợp đồng sản xuất các giống lúa chất lượng cao với Viện giống cây trồng mỗi vụ từ 3-5 ha sau đó thuê xã viên sản xuất và Ông chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản . Ông Bùi Thế Sẫm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gia Bình cho biết phòng đã đề nghị với UBND huyện khen thưởng và hỗ trợ Ông Ba vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và hơn hết là sự ghi nhận của bà con nông dân các địa phương dành cho ông với tất cả sự quý mến, trân trọng. Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng sự say mê với đồng ruộng của ông Ba chưa bao giờ vơi, còn sức khỏe ông sẽ còn đi, đi tìm những điều mới để làm nên những mùa vàng bội thu cho người nông dân./.

 

                                                                Xuân Thủy- Lê Hà

                                                           Đài Gia Bình- Bắc Ninh