Phát huy hiệu quả HTX sau chuyển đổi

14/07/2016 08:53 Số lượt xem: 67

Luật HTX ra đời năm 2012 với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, để đáp ứng với yêu cầu của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với huyện Gia Bình, sau thời gian chỉ đạo quyết liệt, đến nay các HTX đã thực hiện chuyển đổi và đi vào hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tuy nhiên để phát huy hiệu quả hoạt động của HTX sau chuyển đổi cũng rất cần sự chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành để HTX hoạt động theo đúng chức năng và khuôn khổ của luật pháp.

Khu ruộng trồng cà rốt tại HTX Xuân Trung - thôn Chi Nhị - Xã Song Giang

Trước khi thực hiện chuyển đổi trên địa bàn huyện Gia Bình có 73 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp, các HTX này chủ yếu xoay quanh các dịch vụ như: thủy nông, bảo vệ đồng điền, một số HTX có thêm dịch vụ làm đất, cung ứng giống, doanh thu từ các hoạt động này phổ biến ở mức 15-18 kg thóc/sào/năm, thu được bao nhiêu cuối vụ chi trả hết bấy nhiêu, không có tích lũy để mở rộng quy mô sản xuất. Từ thực tế trên, hầu hết các HTX  DVNN không có vốn để kinh doanh, tài sản HTX hiện đang quản lý và sử dụng phần lớn do Nhà nước cho mượn, tồn tại ở dạng ruộng đất... Số lượng xã viên của HTX DVNN kiểu cũ khá đông đảo, trung bình mỗi HTX có khoảng 300 xã viên, nhưng thực tế số lượng xã viên tham gia vào các hoạt động của HTX lại rất ít, chỉ khoảng 5-7 người, việc tham gia điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý HTX được gắn với nhiệm vụ chính trị, bởi đa số cán bộ HTX là cán bộ thôn kiêm nhiệm, hoặc tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội khác. Điều này cho thấy lòng tin của xã viên đối với HTX rất mờ nhạt, mặt khác đánh giá HTX tuy đông nhưng chưa chắc đã mạnh, mà quan trọng hơn là những người tham gia phải thực sự tâm huyết, tin tưởng và có trách nhiệm cao với hoạt động, kinh doanh của HTX. Với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khi các địa phương đã tiến hành xong Đề án dồn điền đổi thửa, đang khẩn trương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đòi hỏi HTX phải có bước phát triển mới về chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh với đủ các loại hình dịch vụ như: làm đất, cung ứng giống, vật tư phân bón, chuyển giao KHKT, bảo vệ đồng điền…Tuy nhiên khi thực hiện chuyển đổi cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như: tồn tại do lịch sử để lại về tài sản, nhất là công nợ của các HTX; tâm lý của cán bộ, thành viên HTX cũng có ảnh hưởng theo nếp nghĩ, cách làm cũ, ngại thay đổi, tiếp nhận cái mới; trong kinh tế thị trường HTX cũng đỏi hỏi có tính cạnh tranh cao, trong khi đó các khâu liên kết trong sản xuất còn khá lỏng lẻo, đặc biệt xã viên cần một khâu dịch vụ quan trọng đó là bao tiêu, tìm đầu ra cho sản phẩm; trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ cán bộ còn hạn chế…

Để phát huy vai trò HTX dịch vụ nông nghiệp, từ năm 2013 huyện Gia Bình đã triển khai kế hoạch tổ chức lại mô hình hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012. Sau khi thực hiện chuyển đổi mô hình HTX, trên địa bàn huyện Gia Bình có thêm 5 HTX mới, do HTX thôn Đại Bái trước đây được tách ra làm 5 HTX theo từng khu dân cư để tiện cho công tác quản lý và điều hành. Như vậy đến nay toàn huyện có 78 HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và 17 HTX chuyên ngành. Các HTX dịch vụ nông nghiệp sau khi chuyển đổi đã tổ chức đại hội thành viên, bầu ra Hội đồng quản trị và Ban giám đốc điều hành, cũng như thông qua điều lệ hoạt động, vốn điều lệ, xác định ngành nghề kinh doanh…Trên cơ sở Luật HTX năm 2012, các HTX đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của HTX theo hướng sản xuất, kinh doanh tổng hợp, trong đó tập trung vào các loại hình dịch vụ thiết yếu như: làm đất, cung ứng giống, vật tư phân bón, chuyển giao KHKT, bảo vệ thực vật…Trong sản xuất các HTX đều có định hướng quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, đồng thời thực hiện liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các vùng sản xuất cây rau, màu theo tiêu chuẩn VietGap để cung cấp cho thị trường.

Thu hoạch lúa nếp tại HTX Ngô Cương - Xã Nhân Thắng

Thực tế đã cho thấy sau thời gian hoạt động các HTX mới chuyển đổi đã  nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết hợp tác với nhau và hợp tác với các doanh nghiệp, làm cầu nối kinh tế hộ với các doanh nghiệp và thị trường, cũng như tiếp nhận sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người sản xuất. Tiêu biểu như  HTX Măng Tây Xanh xã Thái Bảo, HTX Xuân Tùng xã Song Giang, HTX Thành Đạt xã Giang Sơn…Những HTX này đã có phương án sản xuất, kinh doanh khá bài bản, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng, được xã viên HTX yên tâm, tin tưởng góp vốn để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên những HTX dịch vụ nông nghiệp ban đầu thực hiện chuyển đổi sẽ gặp những khó khăn về khả năng huy động vốn, triển khai phương án sản xuất, kinh doanh… Do vậy để ổn định sản xuất, huyện Gia Bình sẽ đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; tăng cường liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đồng thời có chính sách tích tụ ruộng đất, bằng việc hỗ trợ thủ tục pháp lý để các HTX thuê lại ruộng đất của những hộ dân không có nhu cầu sử dụng; quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh như: sản xuất rau sạch, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Đối với các HTX đều có chung mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí thuê đất của các hộ không có nhu cầu sản xuất, miễn, giảm các loại phí, thuế trong thời gian 5 năm, đồng thời có chính sách xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp về liên kết sản xuất hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, khép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm.

 

 

 

 

 

 

 …

 

 

 

Nguyễn Văn Khôi - Đài PT Gia Bình