Trang trại trồng nhãn kết hợp chăn nuôi của cựu chiến binh Trần Văn Đoàn
Sinh ra trên vùng quê nghèo, rời quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh Trần Văn Đoàn - thôn Tiêu Xá - xã Giang Sơn - huyện Gia Bình đã bắt tay vào xây dựng trang trại trồng cây ăn quả. Hiện nay trang trại của gia đình ông đang là trang trại trồng nhãn lớn nhất của huyện Gia Bình và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của Hội cựu chiến binh huyện.
Cựu chiến binh Trần Văn Đoàn bên vườn nhãn của gia đình
Nhập ngũ năm 1970, sau hơn 10 công tác trong quân đội, năm 1981 ông Trần Văn Đoàn xuất ngũ trở về địa phương. Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, quê hương ông lại là vùng quê nghèo nhất của huyện, ông đã trăn trở, bươn trải, vất vả tìm hướng thoát nghèo. Nhưng phải tới năm 1994 khi địa phương có chủ trương chuyển dịch ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản, nhận thấy cơ hội thoát nghèo, gia đình ông đã mạnh dạn đấu thầu 1 mẫu đất thuộc vùng trũng để làm kinh tế trang trại, ban đầu ông đào ao thả cá, cấy lúa, trồng mía, đu đủ..tuy nhiên do chưa có quy hoạch bài bản và sản xuất manh mún nên hiệu quả không cao.
Năm 2006 ông mạnh dạn chuyển hẳn sang trồng nhãn theo hướng chuyên canh. Cùng với diện tích hiện có, ông còn nhận thêm 1 mẫu nữa để quy hoạch thành 3 vườn, trồng 220 gốc nhãn. Giống nhãn được ông lựa chọn là giống nhãn lồng Hưng Yên, được ghép từ gốc nhãn bản địa nên phát triển nhanh, có khả năng kháng sâu bệnh tốt mà lại cho quả chất lượng cao. Để hình thành các vườn trồng nhãn ông đã phải thuê đổ hàng nghìn khối đất, tạo thành những luống cao để cây nhãn không bị ngập úng. Do chưa có kinh nghiệm, ban đầu ông cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng như điều chỉnh để nhãn ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên với niềm đam mê và quyết tâm cao, ông đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và dần làm chủ được các kỹ thuật điều tiết cho cây ra hoa, đậu quả theo ý định. Đất không phụ công người, sau 5 năm chăm bón vườn nhãn đã bắt đầu cho thu hoạch, lứa nhãn đầu tiên sản lượng chưa cao nhưng chất lượng quả rất tốt, quả to, màu nâu sáng, hạt nhỏ, dầy cùi, hương thơm dịu, được khách hàng đánh giá rất cao. Những năm sau cây nhãn khép tán và phát triển hoàn thiện, năng suất nâng lên, bình quân mỗi năm thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Ông Đoàn cho biết: do nhãn quả to, chất lượng tốt nên nhãn của gia đình ông thường bán cao hơn hẳn so với các vườn nhãn khác, năm 2015 gia đình ông đã thu trên 200 triệu đồng từ tiền bán nhãn.
So với các loại cây trồng khác, trồng nhãn không tốn nhiều công sức, chỉ cần định kỳ chăm bón, cắt cây, tỉa cành khi mới thu hoạch, do vậy chỉ với 2 vợ chồng ông đã có khả năng chăm sóc cho 3 vườn nhãn, khi thu hoạch thì thương lái đến tận vườn hợp đồng và tự thu hái quả. Đối với cây nhãn thường bị sâu đục thân, bọ xít gây hại nên cần thường xuyên kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh để cây khỏe mạnh. Ông Đoàn cho biết thêm: quan trọng nhất là người trồng nhãn phải biết tính toán thời điểm thực hiện kỹ thuật “siết cây”, tức là dùng dây thép quấn chặt gốc gây để hạn chể cây phát triển, ấn định được thời điểm ra hoa, đậu quả.
Cùng với trồng nhãn, dưới gốc tán cây ông đã nuôi 15 thùng ong để lấy mật, nuôi gà thả vườn đã tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình. Từ vườn nhãn mà gia đình ông đã xây được ngôi nhà khang trang, bề thế, có của ăn của để và giúp đỡ những gia đình khó khăn của địa phương. Không chỉ giỏi làm kinh tế, cựu chiến binh Trần Văn Đoàn còn tích cực tham gia công tác xã hội, trở thành nòng cốt của hội cựu chiến binh, hội khuyến học xã Giang Sơn, được đồng chí, đồng đội và mọi người quý mến.