Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp
Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân.
Cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa trên địa bàn huyện
Theo tổng hợp, trên địa bàn huyện có khoảng 70 máy thu hoạch lúa liên hoàn và trên 280 máy làm đất các loại giúp cho việc cơ giới hoá, thu hoạch và làm đất nhanh đảm bảo kịp thời cho sản xuất. Bên cạnh đó trong sản xuất nông nghiệp một số địa phương đã sử dụng máy cấy, thiết bị bay không người lái thực hiện các công việc gieo xạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật…Trên vùng đất bãi, bên cạnh cơ giới hoá 100% ở các khâu làm đất, gieo hạt, tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Để khuyến khích nông dân thực hiện cơ giới hoá sản xuất, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ từ 30-50% giá mua các máy móc phục vụ nông nghiệp, tổng số tiền hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/máy.
Đáng chú ý trong những năm gần đây huyện Gia Bình đã khuyến khích nông dân canh tác lúa theo mô hình cánh đồng "không bước chân". Đến vụ xuân năm 2024 toàn huyện có 9 vùng sản xuất lúa tập trung áp dụng chương trình cánh đồng không bước chân từ 10ha trở lên với tổng diện tích 87ha. Lợi ích khi thực hiện cánh đồng "không bước chân" không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mà còn giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đặc biệt, khi thực hiện mô hình sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế.