Đông Cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế để xây dựng NTM

15/01/2016 09:58 Số lượt xem: 60
Là xã thuần nông, những năm qua, Đông Cứu đã phát huy được thế mạnh của địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân góp phần hoàn thành tiêu chí về kinh tế trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.


Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, 5 năm qua, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp hàng hoá, chất lượng cao và phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phù hợp với tình hình đặc thù ở địa phương, trong đó sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Với lợi thế về đất đai, Đông Cứu đã tiến hành cụ thể hóa các Nghị quyết về phát triển KT – XH vào hoạt động của từng Chi bộ, vận động nông dân ứng dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, với diện tích canh tác hàng năm là 309 ha, trong đó lúa là 278 ha, màu 31 ha. UBND xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con nông dân nâng cao tinh thần tự chủ, tiếp cận, ứng dụng nhanh vào sản xuất; vận động bà con nhân dân tích cực đưa một số giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất như: Thịnh dụ, Thiên ưu 8, Syn 6, BC 15… và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như ngô nếp ngắn ngày N88, khoai tây xuất khẩu Atlantic, bí các loại…Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân tích cực chuyển dịch ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản; các mô hình trang trại VAC được hình thành và ngày càng phát triển theo hướng hàng hoá. Hàng năm, xã duy trì ổn định đàn vật nuôi trên 60.000 con và diện tích nuôi thả cá ổn định 32,4 ha.

5 năm qua, Đông Cứu còn đầu tư gần 200 triệu đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cùng với đó, xã cũng vận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện như: hỗ trợ giá giống lúa lai, hỗ trợ vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa, cây vụ đông… tạo động lực để người dân tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định kinh tế. Qua đó, giá trị canh tác/ ha tăng hàng năm. Năm 2015, giá trị canh tác/ ha trồng lúa đạt 93,1 triệu đồng năm 2015; giá trị canh tác/ ha cây màu đạt 102,6 triệu đồng và giá trị vùng chuyển đổi đạt 220 triệu đồng đạt chỉ tiêu Đại hội.

Bắt nhịp với những thay đổi của nền kinh tế thị trường, xã còn vận động nhân dân mở rộng nghề phụ như làm đậu, làm bún, lao động trẻ thì đi làm ở các doanh nghiệp, một bộ phận chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp như may gia công, cơ khí, xây dựng và kinh doanh dịch vụ thương mại. 5 năm qua, đã có 114 hộ chuyển sang nghề cắt may gia công, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động với thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/ người/ tháng. Nâng tổng mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,5 triệu đồng/ năm.

Từ các chủ trương, chính sách đúng trong phát triển kinh tế đã giúp Đông Cứu hoàn thành các tiêu chí về kinh tế như thu nhập đầu người, tổ chức sản xuất… Hiện, Đông Cứu còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành là tỷ lệ hộ nghèo, giao thông, thuỷ lợi và bảo hiểm y tế. Đối với tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, trong thời gian tới, Đông Cứu sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều trong đó trọng tâm vẫn là đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng phát triển thương mại, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu hoàn thành  3 tiêu chí còn lại trong năm 2016./.

Lê Loan - Đài Gia Bình