Gia Bình- chủ động phòng chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi

06/06/2024 14:45 Số lượt xem: 57

Để đảm bảo đàn vật nuôi, thủy sản duy trì số lượng, phát triển ổn định, thời điểm này, các ngành chức năng, hộ chăn nuôi của huyện Gia Bình đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng chống nắng, nóng bảo vệ đàn vật nuôi.


Chú trọng bảo vệ đàn vật nuôi mùa nắng nóng

Theo thống kê hiện nay, toàn huyện có tổng đàn gia súc trên 30 nghìn con, gia cầm  trên 600 nghìn con. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến đàn vật nuôi, thủy sản, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, thủy sản dễ có thể bị chết do nắng nóng, gây thiệt hại lớn kinh tế. Để chủ động phòng, chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi, thủy sản, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT nắm bắt, cập nhật kịp thời tình hình thời tiết, nhất là những đợt có dự báo nắng nóng kéo dài, kịp thời tham mưu để huyện chỉ đạo; phối hợp với Trạm chăn nuôi thú y và NTTS huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi, thủy sản; kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi để giảm thiểu tối đa các loại dịch bệnh và thiệt hại trong sản xuất chăn nuôi trên địa bàn.

Trong đó, đối với vật nuôi, đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, cao ráo, thích hợp với từng loại vật nuôi, phủ rơm… lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng, phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng. Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt, lưới chống nóng để chủ động che chắn chống nóng và chống mưa nắng tạt vào chuồng. Khơi thông cống rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định, đặc biệt trong chăn nuôi gia súc, tiến hành thu gom, chuyển chất thải ra khỏi chuồng hàng ngày, ủ riêng. Đối với trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn chủ động cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất; bố trí mật độ nuôi phù hợp cho từng loại vật nuôi, lứa tuổi, giảm mật độ nuôi, nhất là đối với gà thịt, gà đẻ. Tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần, nhất là những đợt nắng nóng kéo dài tăng khẩu phần thức ăn xanh và bổ sung các vitamin, cho ăn làm nhiều bữa trong ngày, đặc biệt vào sáng sớm, chiều mát; cung cấp đầy đủ nước sạch mát có bổ sung chất điện giải cho gia súc- gia cầm uống để giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Ông Trần Văn Khắc, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi thú y & nuôi trồng thủy sản huyện cho biết: "Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, trung tâm đã chỉ đạo nhân viên thú y xã, thị trấn giám sát dịch bệnh trên địa bàn và chuẩn bị tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về các biện pháp phòng, chống nắng, nóng, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, khuyến cáo tới bà con, những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao từ 11-17h trong ngày không chăn thả trâu bò, cho nghỉ làm việc, nhốt tại chuồng hoặc chỗ có cây bóng mát; chủ động vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, muỗi là những tác nhân truyền và gây bệnh trên đàn GSGC. Các hộ chăn nuôi cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, nếu phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh cho cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp các các bệnh truyền nhiễm, tiêm phòng vắcxin đầy đủ. Đối với thủy sản, khi nắng nóng trong thời gian dài làm các loại tảo trong ao phát triển mạnh làm giảm lượng oxy và tăng lượng khí độc trong nước, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut gây bệnh cho cá phát triển. Để chủ động phòng chống bệnh cho cá, đảm bảo năng suất, tốc độ tăng trưởng cần sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước từ 22h- 4h sáng để hỗ trợ oxy cho cá; cho ăn vào sáng sớm, chiều mát, giảm 5-10% lượng thức ăn vào những ngày nắng nóng, bổ sung vitamin C, định kỳ sử dụng 1 tháng/lần các loại thuốc diệt khẩu trong môi trường ao nuôi".

Theo báo cáo của Trạm chăn nuôi thú y & thủy sản huyện, Gia Bình đã hoàn thành tiêm phòng đợt I trên đàn GSGC vào cuối tháng 4 với tỷ lệ tiêm các loại vắcxin đạt trên 80%, góp phần quan trọng để giảm thiểu bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là trong thời tiết nắng nóng.

Xuân Thủy