Gia Bình phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp

28/08/2015 07:31 Số lượt xem: 122
           Cùng với nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, duy trì, phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống, việc đưa nghề mới vào các làng quê được huyện Gia Bình xác định là một trong những hướng đi quan trọng nhằm tạo việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Những năm qua, các ngành nghề ở khu vực nông thôn trong huyện có bước phát triển cả về quy mô và giá trị sản xuất đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động đặc biệt là đối với lao động ở khu vực nông thôn. Tiêu biểu như: nghề gò đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai, thêu ren Đại Lai, mây tre đan ở Giang Sơn….. Để phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn, những năm qua huyện Gia Bình đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền tại các địa phương; triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển; tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển ngành nghề; chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề, khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất; tạo điều kiện phát triển các làng nghề trên địa bàn. Về đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất, huyện đã quy hoạch, xây dựng được cụm công nghiệp - làng nghề Đại Bái , tạo điều kiện cho các hộ tập trung sản xuất và bảo vệ môi trường… Bên cạnh việc duy trì, đẩy mạnh các ngành nghề, làng nghề sẵn có, nhiều địa phương trong huyện đã mở mang thêm nghề may gia công. Điển hình như ở xã Lãng Ngâm, Xuân Lai, Song Giang….Những năm gần đây nghề may gia công được mở rộng nhanh chóng, thu hút được rất đông lao động tham gia, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/ người/ tháng dần trở thành nghề chính, nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở các địa phương.

 

      

 

Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề cũng đang gặp không ít khó khăn để tồn tại và phát triển. Quá trình tiêu thụ sản phẩm ở các làng nghề bấp bênh do phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ sản phẩm và tình hình suy thoái kinh tế; vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề vẫn còn  hạn chế ; việc quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp - làng nghề gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể như làng nghề Xuân Lai – xã Xuân Lai, trước đây làm nghề tre trúc truyền thống, lúc cao điểm 80% hộ dân trong làng theo nghề, nhưng do thị trường biến động mức tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn nên hiện tại số hộ làm tre trúc đang giảm, đa số lại chuyển sang nghề may gia công.

Thực tế cho thấy, việc duy trì nghề truyền thống, phát triển nghề mới ở địa phương đòi hỏi phải có kế hoạch tổng thể, trong đó không thể thiếu các khâu: khảo sát khả năng, nhu cầu của lao động ở địa phương, công tác dạy nghề, truyền nghề, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất. Ưu tiên sử dụng hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển ngành nghề sản xuất tại nông thôn. Mặt khác, các địa phương tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các ngành nghề sản xuất phát triển, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển, mở rộng thêm các cụm làng nghề tập trung trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, độc đáo, có tính cạnh tranh mới có thể đứng vững trên thị trường.

Ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tích cực đồng hành, hỗ trợ các làng nghề, cơ sở sản xuất trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như đăng ký thương hiệu, mẫu mã, bản quyền. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, lưu thông, tạo sự công bằng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh… có như vậy công tác phát triển ngành nghề mới trên địa bàn huyện Gia Bình mới thực sự đem lại hiệu quả, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện./.

 

 

 

Lê Hà – Đài phát thanh Gia Bình

 

 

Nguyễn Văn Định
Nguồn: BBN