Mấy lưu ý khi bị ngộ độc thuốc BVTV và sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những hoạt chất được tổng hợp tự nhiên hoăc tổng hợp hoá học có độ độc khác nhau nhằm tiêu diệt sinh vật gây hại bảo vệ cây trồng hoặc kích thích tính kháng. Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT ngày 2/12/2022 ban hành danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam nêu rõ Thuốc trừ sâu: Gồm 689 hoạt chất với 1670 tên thươngphẩm; thuốc trừ bệnh với 651 hoạt chất với 1492 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ với 256 hoạt chất với 765 tên thương phẩm; thuốc trừ chuột 8 hoạt chất với 37 tên thương phẩm... Nếu sử dụng đúng, thuốc có tác dụng tiêu diệt sâu hại bảo vệ cây trồng và nông sản, ngược lại nếu sử dụng sai thuốc gây ngộ độc, tích luỹ trong nông sản và gây ra tính kháng.
Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm DVNN hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn
Tuỳ từng loại loại hoạt chất, khi thuốc khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ gây nên các biểu hiện và triệu chứng khác nhau, khi bị nhiễm độc nhẹ cơ thể yếu, nôn, nhận thức kém; bị ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong, nếu ở dưới liều gây tử vong, một số nhóm thuốc được phân giải chậm sẽ tích luỹ dần trong cơ thể của con người (độc duy hậu, độc tích luỹ) gây lên những biến đổi sinh lý có hại như gây ra các bệnh ung bướu, thậm chí gây rối loạn di truyền, đó là các nhóm thuốc chứa Clo, Asen, thuỷ ngân...hiện nay đã bị cấm sử dụng.
Triệu chứng khi bị ngộ độc các loại thuốc BVTV
Khi con người bị ngộ độc thuốc BVTV thường có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu và đuối sức, nếu bị ngộ độc qua da (do tiếp xúc) thì có biểu hiện ngứa, nóng rát và mẩn đỏ rất khó chịu; nếu ngộ độc qua đường tiêu hoá (ăn phải, nuốt phải) thường có biểu hiện nóng rát ở miệng và cổ họng, buồn nôn, đau bụng, đau đầu, chóng mặt, lên cơn co giật; bị ngộ độc qua đường hô hấp thường xảy ra với những người tiếp xúc với thuốc sẽ có biểu hiện ho và đau ngực, mắt lờ đờ, khó nhận biết...
Biện pháp sơ cứu :
Cần kịp thời đưa người bị ngộ độc thuốc BVTV ra khỏi nơi có thuốc, cởi bỏ quần áo bị dính thuốc, rửa sạch thuốc dính trên da bằng nước xà phòng và lau khô. Sau đó kiểm tra nhiệt độ cơ thể của người bị nhiễm độc, nếu nóng quá phải giảm nhiệt bằng khăn ẩm hoặc chườm nước đá, nếu lạnh quá phải đắp chăn.
Khi bị nhiễm độc thuốc BVTV qua đường tiêu hoá phải để bệnh nhân ngồi hoặc đứng rồi kích thích cho nôn (bằng thuốc hoặc bằng tay). Nếu thở yếu hoặc ngừng thở phải làm hô hấp nhân tạo. Không được cho uống sữa bò, vì sữa làm tăng độ hấp phụ của thuốc vào thành ruột, có thể cho uống nước đun sôi để nguội hoặc trà đường.
Khi người bị ngộ độc thuốc BVTV bị ngất, không nên cho uống bất cứ chất lỏng nào vì có thể làm ứ vào phổi gây ngạt thở. Sau khi hô hấp nhân tạo, khi bệnh nhân hồi tỉnh có thể cho uống nước chè loãng hoăc uống Vitamin C, B1, nước hoa quả. Chú ý không được cho người nhiễm độc thuốc BVTV uống sữa khi cơ thể vẫn còn bị ảnh hưởng bởi thuốc BVTV (trừ khi biết rõ nạn nhân bị ngộ độc thuốc chứa Asen hoặc thuỷ ngân) .
Sau khi sơ cứu, cần kịp thời đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất và mang theo nhãn thuốc mà bệnh nhân đã bị ngộ độc để bác sĩ nhanh chóng tìm ra biện pháp điều trị kịp thời và hiệu quả.
Lãnh đạo xã Vạn Ninh hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV để an toàn phòng tránh ngộ độc
Vì vậy, đối với thuốc BVTV cần sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng đó là:
1. Đúng thuốc: Thuốc BVTV được sản xuất thành nhiều chủng loại, nếu không được sử dụng đúng vừa không hiệu quả mà còn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Trong từng chủng loại cũng được chia ra loại chọn lọc, loại đa dạng đúng thuốc vừa tiêu diệt dịch hại bảo vệ cây trồng, vừa giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và bảo vệ sức khoẻ con người, vật nuôi.
2. Đúng liều lượng, nồng độ: Mỗi loại thuốc, trước khi đưa vào dùng cho cây trồng đều được khảo nghiệm nhiều lần, từ trong phòng thí nghiệm đến đại trà. Qua đó, người ta tìm ra liều lượng và nồng độ tối ưu đối với từng loài hoặc nhóm loài dịch hại, đối với từng loại cây trồng, thậm chí đối với từng giai đoạn sinh trưởng của mỗi loại cây, nồng độ, liều lượng được hướng dẫn trên nhãn thuốc còn được căn cứ vào độ an toàn cho nông sản, môi trường. Do vậy, khi sử dụng, bà con nông dân không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng, nồng độ đã quy định.
3. Đúng lúc: Xác định đúng thời điểm cần phun thuốc đòi hỏi phải nắm chắc các quy luật phát sinh, phát triển của dịch hại, không phải cứ thấy có sâu, bệnh là phun thuốc; hoặc cứ để chúng phát triển qua nhiều giai đoạn mới xử lý. Cả hai trường hợp này đều ít đem lại hiệu quả, cần theo dõi, điều tra chiều hướng phát triển của dịch hại để xác định thời điểm xử lý đúng nhất, nếu điều kiện thuận lợi, dịch hại bùng phát nhanh thì cần phải ngăn chặn sớm.
4. Đúng cách: Đối với từng loại thuốc BVTV đều được hướng dẫn sử dụng từng thuốc và đa dạng thuốc, chế phẩm dạng bột, thấm nước, dạng sữa phải pha với nước; dạng hạt, viên nhỏ thì rải vào đất; có dạng để phun mù, phun sương với lượng rất nhỏ hoặc có dạng thuốc chỉ để xông hơi, khử trùng kho tàng... Đa số thuốc BVTV trong trồng trọt thuộc dạng pha với nước hoặc rải vào đất.