Người thương binh làm giàu từ kinh tế vườn

26/07/2016 15:29 Số lượt xem: 29

Ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình nói đến CCB thương binh hạng 3/4 Nguyễn Kim Kưu thì mọi người dân đều biết bởi Ông là người hay lam hay làm đi tiên phong trong phong trào cải tạo vườn tạp ở địa phương. Chỉ với hơn 1 sào vườn, mỗi năm gia đình Ông thu lãi trên 20 triệu đồng từ bán hoa quả, rau xanh các loại. Góp phần tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc chàng thanh niên Nguyễn Kim Kưu đã tạm biệt gia đình, người thân lên đường vào Nam chiến đấu. Sau huấn luyện, được biên chế vào đơn vị lái xe vượt Trường sơn vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp tế cho chiến trường Miền Nam. Cuối năm 1971, Nguyễn Kim Kưu bị thương trên đất bạn Lào khi trên đường vận chuyển vũ khí. Năm 1977 trở về quê với thương tật hạng 3/4 mất 45% sức khỏe. Thực hiện lời dậy của Bác Hồ "Thương binh tàn nhưng không phế", Anh đã nhanh chóng bắt tay vào làm kinh tế gia đình. Trong cái khó khăn chung của đất nước vừa trải qua chiến tranh, Anh đã bươn trải tìm kiếm nhiều công việc khác nhau từ cấy lúa trồng rau, phụ hồ, chở đất miễn là có việc làm để có thêm thu nhập cho dù vết thương liên tục tái phát mỗi khi trái gió, trở trời. Năm 2011, được sự giúp đỡ, tư vấn của Hội làm vườn xã, CCB Nguyễn Kim Kưu đã quy hoạch hơn 1 sào vườn trồng 30 cây ổi giống Hà Lan, 13 cây Đại táo, 8 cây bưởi diễn và trên 20 cây cau, nhãn, hồng xiêm…Đến nay cây đều đã cho thu hoạch. Ở vào tuổi 65, sức khỏe có phần giám sút, nhưng hàng ngày Ông Kưu vẫn miệt mài ra vườn vun xới, tưới phân cho cây. Ông cho biết: Trong vườn các loại cây ăn quả đều là giống mới có năng suất cao, chất lượng quả thơm ngon. Đối với ổi mỗi năm thu 2 vụ tháng 6 và tháng 10, bưởi diễn, nhãn thu từ tháng 9-10, Đại táo thu từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau; thời gian này khách ở các nơi về đặt mua buôn rất đông, nhưng không đủ cung cấp. Ngoài chất lượng quả thơm, ngon Ông còn có thương hiệu là không sử dụng bất kỳ một loại thuốc hóa học nào vào việc phun trừ hay dấm quả, do đó được mọi người  rất tin tưởng.

Với diện tích đất vườn không lớn, song bằng sự năng động nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng Ông Kưu đã có nguồn thu nhập chính với trên 20 triệu đồng mỗi năm từ trồng cây ăn quả. Mặc dù chưa phải là lớn, song với một thương binh như Ông Kưu thành quả đó là đáng trân trọng và cách làm đó đang được Hội làm vườn xã Xuân Lai nhân rộng.

                                                           

Thanh Huyền - Đài Gia Bình- Bắc Ninh