Gia Bình phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông
Được tự nhiên ưu đãi có tuyến sông Đuống, sông Thái Bình chảy qua, chất lượng nước tốt, những năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Gia Bình đã phát triển nghề nuôi cá lồng, ban đầu chỉ có khoảng 10 lồng, nay đã phát triển lên trên 200 lồng, hiệu quả mang lại rất khả quan. Nghề nuôi cá lồng trên sông đã mở ra cơ hội làm ăn mới cho những hộ dân ven sông, đem lại thu nhập lớn cho các hộ dân tham gia.
Gia đình ông Trần Văn Huy - thôn Chi Nhị - xã Song Giang là một trong những hộ có nhiều lồng nuôi cá trên địa bàn. Mới bắt đầu đưa vào nuôi thả từ cuối năm 2014 đến nay số lồng cá của gia đình ông đã lên tới 16 lồng, thể tích mỗi lồng khoảng 150 m3. Vị trí đặt lồng nuôi cá là nơi có dòng chảy ổn định, độ sâu vừa phải và gần phần đất của gia đình để tiện cho chăm sóc và bảo vệ. Ban đầu giống cá được chọn nuôi trắm, chép, cá lăng và điêu hồng, thức ăn cho cá được dùng là cám công nghiệp. Tuy nhiên những giống cá như trắm, cá lăng thời gian nuôi thả kéo dài từ 1 năm trở lên, cần nguồn vốn đầu tư lớn, do vậy gia đình ông tập trung vào nuôi con cá điêu hồng, theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Sau khoảng 7 tháng nuôi thả, cá đạt trong lượng từ 1-1,5 kg là xuất bán. Ông Huy cho biết lứa cá đầu tiên gia đình đã thu trên 16 tấn cá, trừ chi phí gia đình ông cũng có lãi trên 100 triệu đồng.
Từ thành công nghề nuôi cá lồng trên sông, đến nay trên địa bàn huyện Gia Bình đã có 35 hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông, với 206 lồng tăng 96 lồng so với năm 2015. Số hộ nuôi cá lồng chủ yếu tập trung ở 2 xã là Song Giang và Cao Đức. Là hộ mới nuôi cá lồng nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Quyết thôn Lớ xã Cao Đức đã có tới 21 lồng nuôi cá, tồng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng. Hiện gia đình ông nuôi 6 lồng cá trắm cỏ, 3 lồng cá lăng, 1 lồng trắm đen, còn lại là cá rô phi đơn tính và điêu hồng. Để giảm chi phí, gia đình ông đã tự chế biến thức ăn từ ngô, đỗ tương, đồng thời nhận thầu thêm 2 mẫu đất bãi để chuyên trồng cỏ cung cấp thức ăn khi nuôi con cá trắm cỏ. Gia đình ông cũng đang nuôi thử nghiệm thêm 2 lồng cá trắm giống, để chủ động nguồn cá giống cho gia đình. Ông Nguyễn Văn Quyết cho biết: khi nuôi bằng cỏ và cho ăn thêm thức ăn bổ xung, cá trắm cỏ nhanh lớn, khỏe mạnh, ít dịch bệnh, do vậy sắp tới gia đình sẽ thuê thêm 2 mẫu đất bãi để trồng cỏ và chuyên về nuôi con cá trắm cỏ, bởi đây là giống cá gia đình chủ động được nguồn giống và có giá thành cao khi bán ra thị trường.
Nghề nuôi cá lồng trên sông cần nguồn vốn đầu tư khá lớn, mỗi lồng cá hết khoảng 30 triệu làm khung sắt, sau đó cứ 2 năm lại phải thay lưới một lần hết khoảng 4 triệu đồng, bên cạnh đó nguồn giống cá hiện nay chủ yếu vẫn do thương lái cung cấp, nhất là giống cá diêu hồng, cá lăng, nên có nhiều rủi ro, bên cạnh đó cũng phụ thuộc vào chất lượng nước sông, nếu vào các mùa lũ, cá có thể bị các bệnh đường ruột, nấm…Đặc biệt tiền thức ăn khá lớn, chiếm chủ yếu trong chi phí chăn nuôi, theo tính toán của các hộ chăn nuôi, bình quân mỗi ngày tiền chi phí thức ăn cho cá hết khoảng 10 triệu đồng, chính vì vậy cần có nguồn lực lớn, hoặc được hỗ trợ các nguồn tín dụng lãi xuất thấp thì các hộ chăn nuôi bớt những khó khăn. Ông Phạm Công Quyện - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gia Bình cho biết: huyện Gia Bình đã quy hoạch các vị trí để bố trí neo đậu các lồng, bè cho phù hợp để không ảnh hưởng đến đê, kè, đồng thời chỉ đạo các nghành chức năng về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, huyện cũng đã tiến hành giải ngân cho các hộ nuôi thả với trên 1 tỷ đồng theo Quyết định 318 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2014-2020.
Vượt qua những khó khăn, thách thức nghề nuôi cá lồng đã không còn xa lạ và từng bước trở thành nghề sản xuất chính của một số hộ dân thuộc các xã ven sông trên địa bàn huyện Gia Bình. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, sẽ mở ra triển vọng đưa thu nhập của người dân nâng lên.