Quy hoạch và ứng dụng công nghệ cao, theo hướng VIETGAP vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Gia Bình
Trong những năm gần đây huyện Gia Bình đã tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp trong quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, theo hướng VietGAP vào sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đang thực hiện việc tổ chức quy hoạch vùng sản xuất lúa chuyên canh theo hướng VietGAP, với diện tích khoảng 35 ha ở các xã Xuân Lai, Lãng Ngâm, Nhân Thắng. Trồng cây ăn quả chuyên canh theo hướng VietGAP, với diện tích 15 ha, trong đó xã Giang Sơn trồng cam canh, bưởi diễn; Xã Cao Đức trồng chuối tiêu, chuối tây. Huyện cũng đã chỉ đạo xây dựng và hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn trên diện tích 5,7ha, có giấy chứng nhận VietGAP, với các loại cây trồng như măng tây xanh, tại các xã Thái Bảo, Vạn Ninh, bí đỏ tại HTX Nhân Hữu, xã Nhân Thắng. Sản xuất rau củ quả tại HTX Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm. Thời gian thực hiện từ năm 2017.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên cơ sở thực hiện chủ trương quy hoạch đưa chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư. Nhiều dự án đã được đầu tư trên địa bàn và bắt đầu phát huy hiệu quả trong sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Hải Ninh đã đầu tư trang trại chăn nuôi liên kết với Tập đoàn Cổ phần Group của Thái Lan tại thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm với diện tích 3,5 ha. Hiện đã xây dựng được 4.200 m2 chuồng trại khép kín theo công nghệ hiện đại của Thái Lan và đang nuôi 3.000 con lợn thịt theo phương thức liên doanh, liên kết theo chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm khép kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trang trại chăn nuôi này đã đi vào hoạt động được gần 4 năm, bình quân mỗi năm chăn nuôi 2.800 đầu lợn, doanh thu đạt khoảng 980 triệu đồng/năm.
Doanh nghiệp tư nhân Hùng Phát (Hà Nội) cũng đã đầu tư thuê đất bãi ngoài đê với diện tích 20 ha tại thôn Huề Đông, xã Đại Lai để sản xuất nông nghiệp theo hướng VAC tổng hợp. Trong đó có trên 6 ha nuôi trồng thủy sản và điều hòa sinh thái, 13 ha trồng các loại chuối, rau màu và 1 ha để liên kết với Tập đoàn CP Group (Thái Lan) để nuôi lợn thịt. Hiện nay đã cải tạo xong mặt bằng và đã đầu tư xây dựng 1 khu chuồng trại và chăn nuôi 2.000 đầu lợn mỗi năm, doanh thu đạt khoảng 840 triệu đ/năm. Dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng từ 1 - 2 khu chuồng trại chăn nuôi.
Hộ ông Nguyễn Chí Hải ở thôn Đông Bình, thị trấn Gia Bình cũng đã thuê 12 ha đất bãi ngoài đê của xã Vạn Ninh và đã đầu tư xây dựng 6 khu khu chuồng, với diện tích 9.600 m2 để chăn nuôi lợn thịt kết hợp với làm VAC tổng hợp. Từ năm 2015 đã liên kết, liên doanh với Công ty DaBaCo Việt Nam nuôi trên 3.000 con lợn thịt, với doanh thu đạt bình trên 100 triệu đ/năm.
Ngoài ra còn có 1 số cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi theo công nghệ cao như hộ ông Đào Văn Chuẩn ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang. Đầu tư và thuê 4 ha đất bãi để liên kết với Công ty DaBaCo xây dựng khu chăn nuôi tập trung ngoài bãi và đang trong giai đoạn thực hiện dự án. Công ty TNHH Trần Gia (Hà Nội) dự kiến đầu tư gần 50 tỷ đ xây dựng khu chăn nuôi lợn tập trung theo công nghệ Châu Âu, với diện tích 2 ha ở thôn Phương Triện, xã Đại Lai. Hiện đã lập dự án chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong lĩnh vực thủy sản, toàn huyện đã duy trì 1.013 ha mặt nước, ao hồ nuôi trồng thủy sản, với sản lượng hàng năm đạt khoảng 5.900 tấn. Giá trị sản xuất hiện hành đạt trên 252 tỷ đồng. Đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã như Nhân Thắng, Xuân Lai, Bình Dương, Quỳnh Phú…trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng địa phương. Huyện cũng đang triển khai, thực hiện Dự án "Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Xuân Lai". Với việc đầu tư hệ thống hạ tầng hoàn thiện như đương giao thông, đường điện, hệ thống xử lý nước liên hoàn… trên diện tích 26 ha. Với số tiền đầu tư gần 30 tỷ đ, từ nguồn vốn của Nhà nước và địa phương, nhằm tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa một vụ năng suất thấp và các ao, hồ nhỏ lẻ thành các ao, hồ có sức chứa lớn để nuôi cá, tôm và các loại thủy sản khác. Phấn đấu đưa năng suất khai thác tại khu nuôi trồng thủy sản đạt bình quân từ 10 tấn/ha/năm trở lên. Từ đó sẽ hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có giá trị kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn thi công, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2016 và đưa việc nuôi trồng thủy sản vào thâm canh theo hướng VietGAP. Kết quả của dự án sẽ là cơ sở cho việc mở rộng quy mô chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý cho các vùng có điều kiện tự nhiên tương tự như Song Giang, Quỳnh Phú, Giang Sơn, Nhân Thắng, Bình Dương, Xuân Lai…
Cùng với đó, huyện Gia Bình còn tập trung khai thác, phát huy hiệu nghề nuôi cá lồng trên sông. Toàn huyện hiện đã có 217 lồng cá được nuôi trên sông, với diện tích tương đương 217 ha. Trong đó xã Cao Đức có 100 lồng, Song Giang 86 lồng, Giang Sơn 10 lồng, Đại Lai 5 lồng… Cá nuôi chủ yếu là cá lăng, cá chép giòn, cá diêu hồng, cá trắm, rô phi. Hiện nay, huyện đã chỉ đạo, chuẩn bị các bước để thành lập các tổ hợp tác nuôi cá lồng theo hướng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm mở ra hướng phát triển mới trong nuôi trồng thủy sản.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Gia Bình nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20, 21 vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 trên địa bàn.
Nuôi cá lồng trên sông ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình