Gia Bình phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

18/01/2016 09:35 Số lượt xem: 113
Phương châm “Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững” được huyện Gia Bình đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua đã đem lại những kết quả quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương tạo nên diện mạo nông thôn mới ngày càng rõ nét.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống, năng suất thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; tập trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất; hỗ trợ tập huấn, khuyến nông, dịch vụ tư vấn, nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân...  Đối với sản xuất lúa gạo, huyện vận động nông dân tích cực đưa lúa lai, lúa hàng hoá vào sản xuất; hoàn thành 100% kế hoạch sản xuất vụ xuân vụ mùa với năng suất lúa đạt 65,6 tạ/ ha, là huyện có năng suất lúa cao nhất tỉnh Bắc Ninh; tạo tiền đề từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Gia Bình. Đối với sản xuất cây màu, trên cơ sở tình hình thực tế các địa phương, huyện làm tốt công tác quy hoạch và chỉ đạo phát triển sản xuất vụ đông theo hướng tập trung, hiệu quả, thực chất, tránh chạy theo hình thức lấy chỉ tiêu. Từ đó khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, nâng cao giá trị trên ha canh tác. Huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung có diện tích  từ 5-10 ha trở lên, có đầu ra tiêu thụ ổn định như: bí xanh, bí đỏ xen ngô nếp ở Nhân Thắng, đỗ tương ở Đại Lai, hành tỏi ở Vạn Ninh, khoai tây xuất khẩu ở Thái Bảo, Đông Cứu…những mô hình cây trồng mới công nghệ cao như: Măng tây xanh ở Thái Bảo, trồng nấm ở Đại Lai…góp phần nâng giá trị trên ha canh tác từ 88,1 triệu đồng năm 2010 lên hơn 120 triệu đồng năm 2015.

Đối với chăn nuôi, huyện phát triển theo hướng tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư gắn với sản xuất an toàn dịch bệnh; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn... đến chế biến, tiêu thụ. Huyện đã xây dựng được 3 mô hình chăn nuôi tập trung tại vùng đất bãi ven sông Đuống theo phương thức liên doanh, liên kết với công ty Dabaco Việt Nam, công ty Cổ phần Group Thái Lan. Đây là những mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị đầu tiên được thực hiện trên địa bàn huyện với hơn 6000 đầu lợn/ năm…Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và từng bước mở rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống và sông Thái Bình với tổng số 108 lồng tập trung ở 2 xã Song Giang và Cao Đức…Góp phần nâng giá trị trên ha chăn nuôi từ 158,4 triệu đồng năm 2010 lên hơn 200 triệu đồng năm 2015.

Ông Bùi Thế Sẫm - Trưởng phòng NN và Phát triển nông thôn huyện Gia Bình đánh giá: Sau 5 năm huyện thực hiện “phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững”, hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp, sửa chữa; môi trường sản xuất được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17 triệu đồng năm 2010 lên hơn 30 triệu đồng năm 2015. Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới là Nhân Thắng, Bình Dương, Đại Lai, Cao Đức, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên.

Thực tế cho thấy, đối với Gia Bình, cùng với việc phát triển, đầu tư hạ tầng, để thực hiện tốt chương trình xây dựng Nông thôn mới thì vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định nhất là lĩnh vực nông nghiệp tạo được những bước đột phá, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hiệu quả và chất lượng. Do đó, năm 2016 và những năm tiếp theo, huyện Gia Bình sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Giữ ổn định diện tích 8.590 ha đất lúa, tăng cường đầu tư giống, kỹ thuật để tăng năng suất bình quân đạt từ 63,5 tạ/ ha trở lên, phát triển sản xuất vụ đông theo hướng tập trung, chất lượng, hiệu quả. Từng bước thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng rau, cây ăn quả chuyên canh theo định hướng của tỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; Lập quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp vùng đất bãi ven đê, tăng cường mời gọi doanh nghiệp, từng bước đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch theo chuỗi giá trị; Tổng kết và nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Đuống theo quy mô công nghiệp gắn với du lịch sinh thái./.

Lê Loan - Đài Gia Bình